Gìn giữ và phát huy giá trị di tích lưu dấu chân Bác Hồ

25/09/2022 14:41

Sau gần 8 thập kỷ, ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) - địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở và làm việc khi Người trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội để chuẩn bị cho Tết độc lập mùng 2/9/1945 - mới đây đã được đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia.

Gìn giữ và phát huy giá trị  di tích lưu dấu chân Bác Hồ
Ngôi nhà “Minh nguyệt thanh phong” của gia đình cụ Nguyễn Thị An đã gần trăm tuổi - nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những ngày cuối tháng 8/1945. Ảnh tư liệu.

 “Dòng họ Công Văn và gia đình chúng tôi rất đỗi tự hào khi được Đảng, Nhà nước nhìn nhận đánh giá ngôi nhà là một di tích cách mạng mang giá trị lịch sử ở cấp quốc gia. Cùng với niềm phấn khởi, tự hào, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình thêm lớn lao để làm sao có thể góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di tích đến thế hệ hôm nay”, ông Công Ngọc Dũng - người đang trực tiếp trông nom ngôi nhà lưu dấu chân Bác Hồ chia sẻ. 

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà 5 gian được xây từ năm 1929, ông Công Ngọc Dũng cho biết, đây là ngôi nhà mà cố nội Công Văn Trường xây cho con trai - chánh tổng Công Ngọc Lâm cùng vợ Nguyễn Thị An (là ông bà nội của ông Dũng). Năm 1932, ông Lâm mất, bà An không chỉ ở vậy nuôi các con khôn lớn mà còn sớm được giác ngộ cách mạng (từ năm 1941). Đến năm 1943, con trai thứ hai của bà An là Công Ngọc Kha (bố ông Dũng) cũng được giác ngộ cách mạng, tham gia đội tự vệ làng Phú Gia. Từ đó, ngôi nhà này trở thành địa chỉ liên lạc, trú ẩn và cung cấp lương thực thực phẩm, tiền bạc cho cách mạng lúc bấy giờ. Nhất là, ngôi nhà đã được Trung ương Đảng chọn là nơi dừng chân đầu tiên khi Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, từ ngày 23 - 25/8/1945, để chuẩn bị cho Tết độc lập mùng 2/9/1945.
Gìn giữ và phát huy giá trị  di tích lưu dấu chân Bác Hồ
Ngôi nhà vẫn giữ được nhiều hiện vật mà Bác Hồ từng sử dụng - Ảnh: HT

Được 3 thế hệ gia đình ông Công Ngọc Dũng tự giác giữ gìn, bảo quản, ngay cả khi ngôi nhà chưa được hiến tặng cho Nhà nước (trước năm 1996) nên dù đã gần trăm tuổi nhưng kiến trúc và các hiện vật của ngôi nhà di tích vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đó là những dòng chữ, câu đối bằng tiếng Hán vẫn rõ nét và được ông Dũng nhẹ nhàng chú dẫn từ chiếc cổng “Mai đình” với đôi câu đối tả cảnh sắc làng quê: “Môn đối hồ sơn nhiêu cảnh sắc/ Đình sâm hoa thảo lạc phong quang” đến ngôi nhà: “Minh nguyệt thanh phong” được ghi lại khoảng thời gian: “Tứ niên Bảo Đại” và “Tân tạo đông thành”. Đó là cái bể nước rêu phong nằm im lìm nơi góc sân và cây hoa mộc vẫn rung rinh bên vòm cong hiên nhà. Đó là chiếc gương cùng cái thau đồng được treo trên tường và đặt trên giá gọn ghẽ ở cuối hiên. Trong 3 gian giữa, chiếc sập gụ, bộ trường kỷ được kê đúng vị trí mà Bác Hồ đã sử dụng cách đây 77 năm…
Để góp thêm phần phong phú về tư liệu, hai gian buồng của ngôi nhà được trưng bày một số hiện vật Bác Hồ mang về từ chiến khu Việt Bắc như chiếc máy chữ, chiếc va ly mây hay hình ảnh Bác Hồ về thăm Phú Gia dịp Tết nguyên đán năm 1957; hình ảnh các lão thành cách mạng Phú Gia, các cán bộ Trung ương Đảng về thăm ngôi nhà lưu niệm... Từ những hiện vật thân thương này, ông Dũng dẫn dắt khách tham quan bước vào ký ức đặc biệt của ngôi nhà bằng cả sự xúc động và niềm tôn kính đối với Bác:
“Bà nội và bố tôi kể: Trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám vừa giành thắng lợi, gia đình tôi được đón Bác về ở và làm việc. Lúc đó, mọi người đặc biệt yêu mến ông cụ dáng người cao gầy, vầng trán cao, đôi mắt sáng và giọng nói ấm áp. Dù sức khỏe yếu (phải ăn cháo và rửa mặt bằng nước ấm) nhưng ông cụ bận việc suốt ngày và mỗi sáng vẫn dậy sớm, ra bờ ao của gia đình để tập thể dục. Ngày ngày, bố tôi là người ở gần bên phục vụ công tác hậu cần. Bữa ăn của cụ và đoàn công tác được bà nội trực tiếp chuẩn bị. 
Phải đến hôm dự lễ mít tinh 2/9/1945 gia đình tôi cũng như người dân Phú Gia mới ngỡ ngàng khi được đồng chí Hoàng Tùng cho biết ông cụ ở trong nhà mình mấy hôm trước chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. “Lúc ấy, niềm hân hoan, hạnh phúc được nhân lên gấp bội, không lời nào có thể diễn tả hết được”, bố tôi nhắc lại nhiều lần cảm xúc ấy.
Hơn một năm sau, sáng ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã trở lại thăm gia đình chúng tôi. Bác ân cần thăm hỏi từng người, âu yếm bế bé Mai (chị tôi) vào lòng dạy hát, dạy đếm. Thấy vắng cụ nội tôi (cụ phó Trường), Bác đã nhắc bố tôi đi gọi đến và thân tình ra tận hiên nhà đỡ cụ. Khi cụ nội tôi còn lo lắng giặc Pháp mạnh, không biết ta có đánh được không, Bác liền quả quyết: “Thằng Pháp tuy mạnh thật nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta cả nước đoàn kết một lòng, có quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ đánh thắng chúng”. 
Cũng trong chiều ngày hôm ấy, tại ngôi nhà này, Bác còn gặp cán bộ địa phương, thăm hỏi chuyện tổ chức đời sống, tình hình sản xuất, vệ sinh phòng bệnh. Đây  toàn là những chuyện chưa được cán bộ địa phương quan tâm. Bố tôi đã rất trăn trở để từ đó cảm phục Bác đã giúp ông cùng các cán bộ địa phương hiểu ra rằng: Có chính quyền rồi thì phải củng cố và xây dựng chính quyền vững mạnh về mọi mặt. Muốn vậy phải tổ chức đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chứ không phải họp, mít tính, diễn thuyết cho nhiều như mọi người vẫn tưởng.
Bên cạnh đó, ngôi nhà của chúng tôi còn  là một địa điểm nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực thực phẩm, tiền bạc cho cách mạng (kể cả khi bố tôi bị bắt đi đày ở Côn Đảo). Thời kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà may mắn không bị bom rơi đạn lạc và gia đình tiếp tục dành cả 5 gian để phục vụ cho đơn vị thông tin - điện đàm ở và làm nhiệm vụ một cách an toàn, bí mật”, ông Dũng lắng lại dòng ký ức. 
Để có thể kể chuyện về ngôi nhà mang sứ mệnh lịch sử đặc biệt của cha ông một cách chính xác mà đong đầy cảm xúc như thế, ông Công Ngọc Dũng chia sẻ rằng, ngay từ lúc còn trẻ ông đã chăm chú nghe cha cùng bà nội kể chuyện và được cha truyền cảm hứng, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình: Có 2 cán bộ lão thành cách mạng của Phú Gia, có một người con tham gia kháng chiến chống Pháp hiện nay chưa rõ thông tin và 2 người cháu là liệt sĩ chống Mỹ... Lúc mới ngoài 30 tuổi, sau những giờ làm việc ở Nhà nghỉ Quảng Bá, ông Dũng lại trở về giúp cha pha chè, điếu đóm tiếp khách hoặc ngồi nghe cha trò chuyện để rồi cứ ngấm dần đến thuộc những ký ức thiêng liêng của cha về Bác Hồ. Và, trong hơn 40 năm, ngay từ khi ngôi nhà chưa được công nhận là di tích cách mạng, ông Dũng vẫn thường xuyên tự tu sửa, gìn giữ, chăm nom từ hiện vật đến kiến trúc của ngôi nhà sao cho phải được giữ nguyên, không bị thay đổi, không bị mất đi. Từ năm 1989, ông Dũng mượn máy ảnh, máy ghi âm của cơ quan để chụp và ghi lại tư liệu các hoạt động diễn ra tại đây vì ông nghĩ rằng đây là những tư liệu sống vô cùng quý giá. Các nhân chứng lịch sử ngày càng tuổi cao sức yếu nếu không tranh thủ thì sau này sẽ không khỏi luyến tiếc. Ngoài ra, ông còn đóng chiếc tủ kính trưng bày những cuốn sách, bài báo viết về Bác Hồ, viết về ngôi nhà cách mạng mà ông được tặng hoặc dày công sưu tầm. Cậu con trai thứ hai Công Ngọc Nam của ông cũng số hóa các bộ ảnh, tài liệu. Từ những tư liệu này mà dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác các chuyên gia thẩm định và xác nhận chính xác thời gian Bác về ở và làm việc tại Phú Gia cũng như là căn cứ để lập các hồ sơ xét duyệt xếp hạng di tích cấp thành phố, cấp quốc gia.
Ngày ngày cần mẫn góp sức tôn tạo, tu bổ, sưu tầm hiện vật và trực tiếp đón các đoàn tổ chức đoàn thể, học sinh, sinh viên, du khách đến dâng hương, sinh hoạt chính trị và tham quan, tìm hiểu về di tích, ông Dũng đã được nhận giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, quận Tây Hồ và phường Phú Thượng. Nhất là, ông đặc biệt xúc động khi được đọc những dòng lưu bút bày tỏ niềm trân trọng và sự biết ơn của những người về thăm di tích. Năm 2020, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội viết: “…Cụ An và gia đình đã được nhiều đồng chí lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân rất kính trọng và đánh giá cao công lao của cụ và gia đình đối với Hồ Chủ tịch và cách mạng. Tôi càng quý trọng các thế hệ con, cháu của cụ An đã sống rất xứng đáng với tấm gương yêu nước, vì Đảng, vì dân và có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (...) Tôi tin tưởng địa chỉ đỏ này sẽ mãi mãi giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau sống biết ơn các gia đình có công với nước với dân và giữ gìn di tích lịch sử này ngày càng bền vững, xứng đáng với Thủ đô yêu quý”. Ông Trần Tuấn Quảng - con trai đồng chí Trần Đăng Ninh cũng trân trọng ghi: “Ngày này cách đây tròn 75 năm, Bác Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội để chuẩn bị cho lễ độc lập của dân tộc, Người đã ở nơi này. Được ngồi nơi bộ bàn ghế năm xưa Bác cùng các đồng chí thường vụ Trung ương và cha tôi bàn việc nước, được ngồi lên tấm phản mà cha tôi - đồng chí Trần Đăng Ninh đã nằm trong những ngày theo Bác ở đây, tôi vô cùng xúc động và tự hào.
…Xin được tỏ lòng biết ơn sâu đậm tới toàn thể gia đình cụ Nguyện Thị An, lớp trước là cơ sở vững chắc, tin cậy của cách mạng, từ những ngày trứng nước; lớp sau tiếp tục giữ vững truyền thống, tiếp tục hy sinh vì nền độc lập, xây dựng đất nước và đã trân trọng truyền thống, bảo tồn, di tích vô giá này để các thế hệ tiếp sau được thăm, được hiểu biết thêm về lịch sử và hun đúc tinh thần cách mạng của cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Mới đây, dẫn đầu đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội về dâng hương tại di tích, đồng chí Trần Thị Tuyến - Phó Bí thư thường trực Nguyễn Thị Tuyến xúc động lưu bút: “Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội rất xúc động khi về gia đình cụ Nguyễn Thị An - một cơ sở cách mạng, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đảng bộ, chính quyền và nhân Thủ đô nguyện đi theo con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn, tiếp tục xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với ước nguyện của Bác Hồ kính yêu. Xin tri ân sâu sắc tới cụ Nguyễn Thị An và gia đình cụ”. 
Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên đều bày tỏ sự biết ơn gia đình cụ Nguyễn Thị An đã gìn giữ và bảo tồn căn nhà để các em được sống lại những ngày tháng lịch sử vẻ vang.
“Thật vinh dự và tự hào cho gia đình, dòng họ chúng tôi khi được đón Bác về ở và làm việc. Là thế hệ sau, chúng tôi được thừa kế không những là tài sản của cha ông mà còn là tài sản gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Phú Thượng, của đất nước. Giờ đây chúng tôi thêm tự hào vì sau khi hiến tặng cho Nhà nước, ngôi nhà được xếp hạng là di tích cách mạng mang giá trị lịch sử cấp quốc gia, đồng thời được giao trách nhiệm trông nom và trực tiếp giới thiệu với khách về các sự kiện diễn ra tại ngôi nhà qua các thời kỳ với số tiền hỗ trợ hơn một triệu đồng/ tháng. Thực ra, với chúng tôi việc hỗ trợ tài chính là điều quý song việc giữ gìn, phát huy giá trị của di tích quốc gia luôn là việc được các thế hệ trong gia đình tự giác thực hiện thường xuyên suốt mấy chục năm qua và mãi mãi. Chúng tôi mong rằng, nơi đây sẽ sớm trở thành một điểm đến trong tour du lịch theo sự kiện của Bác Hồ và cách mạng”, ông Dũng chia sẻ.
Năm nay đã bước sang tuổi 70 và thấy sức khỏe có phần bị giảm sút, ông Dũng liền gợi ý con trai Công Ngọc Nam đang làm việc tại ngân hàng về hỗ trợ, tiếp nối công việc. Thật mừng khi Nam đã tiếp nối công việc của bố bằng lòng tự hào cùng tinh thần đầy trách nhiệm: “Chứng kiến cha mẹ tâm huyết với di sản của cha ông, tôi thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy nhiều hơn nữa những giá trị lịch sử cách mạng ấy. Cùng với việc chụp hình, ghi âm, số hóa hình ảnh tư liệu mà tôi đã và đang làm, trong thời gian tới, khi nhận được sự đồng ý của các cơ quan chức năng tôi mong muốn lập fanpage kể chuyện về ngôi nhà để mọi người có thể tiếp cận và hiểu hơn về điểm di tích cách mạng đặc biệt này”, anh Công Ngọc Nam hào hứng nói. 
Gìn giữ và phát huy giá trị  di tích lưu dấu chân Bác Hồ
Bên bộ trường kỷ Bác Hồ từng ngồi làm việc năm xưa, ông Công Ngọc Dũng xúc động kể lại những câu chuyện về Người mà ông được nghe từ bà nội và cha mình - Ảnh: HT.
(0) Bình luận
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ và phát huy giá trị di tích lưu dấu chân Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO