Tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì - Hà Nội), Văn Uyên làng trên, Tranh Khúc làng dưới được biết đến là nơi lưu giữ hương vị bánh chưng cổ truyền từ lâu đời. Đến nơi đây những ngày giáp Tết Nguyên đán, người ta sẽ cảm nhận được một thứ “xuân xanh biếc” đang gõ cửa muôn nhà.
Gia đình chị Nguyễn Linh Anh (làng Văn Uyên) có kinh nghiệm gói bánh chưng đã nhiều năm. Những ngày này, do số lượng đặt hàng lớn nên tất cả mọi người trong nhà đều tất bật, nhộn nhịp hơn với công việc.
Từng chiếc lá dong được rửa sạch và hong khô. Phải chọn lá thật tươi, to đều, không bị rách và có màu xanh thẫm.
Mỗi chiếc bánh chưng được gói cần tới 6 lớp lá. Từng cặp lá so le, xếp chồng lên nhau để tiện lợi cho người gói bánh.
Gạo dùng để gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng, có nguồn gốc từ Thái Bình, Nam Định hay Hải Dương… Sau khi đãi sạch, gạo được trộn thêm một ít muối cho vị bánh đậm đà hơn.
Thịt dùng làm nhân bánh phải đầy đủ cả nạc và mỡ, nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ.
Đỗ xanh tách vỏ, nấu nhuyễn, nắm thành nắm tròn đầy cùng với thịt lợn đã tẩm ướp sẵn gia vị.
Không cần dùng đến khuôn gói cầu kì, từng chiếc bánh đầy đặn, vuông vức được gói bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Màu xanh của lá dong, màu vàng óng của đỗ hoà quyện cùng hương thơm nồng của thịt tạo nên một hương vị đặc trưng mà quá đỗi quen thuộc.
Thông thường, mỗi gia đình sẽ sản xuất từ 200-300 chiếc bánh/ngày. Vào vụ Tết, số lượng bánh có thể lên tới hơn 1.000 chiếc/ngày. Sau khi gói xong, bánh được xếp vào nồi hơi hoặc nồi điện để luộc. Thời gian luộc kéo dài từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ.