Cụm di tích chùa Đình Giá gồm chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ là điểm đến tâm linh nổi tiếng tại huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Kiến trúc của cụm di tích có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi này luôn thu hút du khách thập phương bởi nét đẹp linh thiêng và cổ kính.
Chùa Đôi Hồi, Đền Tam Phủ nhìn từ trên cao Chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ đều được xây dựng từ triều đại Lý - Trần trên một khu đất đẹp ven đê sông Đáy. Khu đất xây dựng cụm di tích này có diện tích gần 1ha, xưa kia thuộc xã Thu Quế, Phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây nay là làng Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.
Chùa Đôi Hồi mặt trông hướng Tây, cấu trúc mặt bằng theo kiểu nội công - ngoại quốc, tiền thần, hậu phật. Đền Tam Phủ mặt trông hướng Nam thờ Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ (Tam phủ công đồng). Đền và chùa là nơi linh thiêng hội tụ danh thắng rất lâu đời. Theo bia trùng tu dựng năm Giáp Thân (1704) niên hiệu Chính Hòa thứ 25 nhà Lê thì đền Tam Phủ có thể được xây dựng từ thời nhà Lý, niên đại gần 1000 năm.
Cụ Bùi Văn Nhị, Trưởng ban quản lý di tích chùa Đình Giá, người lưu giữ thông tin, kỷ vật nét đẹp văn hóa tâm linh của chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ
Thần tích được lưu truyền
Về với xã Song Phượng, chúng tôi theo chân cụ Bùi Văn Nhị, Trưởng ban quản lý di tích chùa Đình Giá. Qua lời kể của cụ, được biết, tương truyền xưa kia nơi đây Thủy Thần thường giúp nhân dân ngăn sông tránh nạn hồng thủy - Như Văn. Xa xưa, đền có quy mô nhỏ nằm ngay ven đê xa làng xóm. Đến khi có thuyền vua nhà Trần một lần đi kinh lý vùng xung quanh Thăng Long, thuyền ngự tới khúc sông trước làng Thu Quế gặp dòng nước xoáy, không đi được cứ quẩn quanh một chỗ. Nhà vua cho sứ giả vào bờ xem xét, sứ giả về tâu rằng: “Ở quãng đê này chỉ có một ngôi đền đã đổ chỉ còn lại bốn chiếc cột, xung quanh là đồng không mông quạnh, không có người ở”. Nhà vua liền vào làm lễ khấn cầu thủy thần phù hộ cho dòng nước đổi chiều thông thuận, nếu ứng nghiệm sẽ cho tu tạo và cử người trông coi hương hỏa, phụng thờ mãi mãi. Vua khấn cầu xong mọi người đều thấy dòng nước từ từ đổi chiều thông thuận, thuyền ngự lại tiếp tục khởi hành. Sau khi về tới kinh đô, nhà vua truyền lệnh cho nhân dân tu tạo lại đền, dựng chùa thờ Phật và đặt tên là Đôi Hồi tự. Nơi thuyền dừng gọi là đình Giá Sứ (đền Tam Phủ ngày nay). Nhà vua để lại câu đối như sau: “Nam Hải kỷ dương trần, bất kỳ hà niên đình ngọc giá. Đông A lai nhập địa, phương truyền thủ nhật khởi cung châu”. Cũng theo cụ Nhị, sở dĩ chùa có tên là Đôi Hồi bởi sau khi đi kinh lý về Thăng Long, nhà vua luôn cảm thấy bồi hồi trong tâm khảm nên đặt cho ngôi chùa là Đôi Hồi (Đôi Hồi có nghĩa là đôi lúc thấy bồi hồi nhớ lại).
Và để thể hiện niềm tôn kính, hàng năm theo Tết âm lịch xuân thu nhị kỳ, cứ đến ngày mồng 1 tháng 2 và ngày mồng 1 tháng 8 là hai ngày tết chính của bản đền, triều đình lại cử các quan cho rước lễ vật tam sinh về đền chùa cúng tế thành nghiêm lệ cho đến ngày nay.
Gìn giữ nét cổ kính qua nhiều lần tôn tạo
Theo văn bia trùng tu dựng năm Mậu Tý (1588) niên hiệu Hưng Trị, Mạc Mậu Hợp (bia núm 4 mặt) thì đền và chùa được trùng tu lần thứ nhất vào năm Ất Dậu (1585). Đợt trùng tu này có quy mô rất rộng lớn do nhà sư Phúc Lai đứng ra khuyến thiện, có bà hoàng thái hậu và hai cô công chúa cùng Đà quốc công Mạc Ngọc Liễu nhà Mạc đã về công đức cùng dân xây dựng. Đến tháng 3 năm thứ 6 đời Lê Phúc Thái (1648), An Đô vương Trịnh Tráng ký đóng dấu vua Lê kính phụng đạo lệnh chỉ số 1 về đền chùa nội dung: Cấp cho 85 mẫu đất bãi công, 76 quan 5 mạch tiền thuế tô, 24 quan tiền thuế dung, 20 đinh tráng, 80 bát gạo. Hằng năm được miễn sưu sai các dịch để ngày đêm trông nom hương hỏa phụng thờ. Theo văn bia trùng tu dựng tháng 4 năm Mậu Dần (1698) niên hiệu Chính Hòa thứ 19, nhà Lê ghi nhận việc xây lại tòa tam quan cổng chùa ngày 4 tháng 2 năm Giáp Tuất (1694) và xây 2 dãy hành lang bao quanh chùa tháng 6 năm Bính Tý (1696). Theo tấm bia lớn 2 mặt dựng năm Giáp Thân (1704) niên hiệu Chính Hòa thứ 25, nhà Lê ghi nhận đây là lần trùng tu lớn nhất của nhà Lê, chỉ 1 tháng là xong toàn bộ lầu quỳnh gác ngọc, rậm cây cổ thụ bao quanh tạo cảnh thâm nghiêm hoành tráng cho đền và chùa. Tháng 8 năm 1781 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 nhà Lê, tôn tạo nhà đại bái, tòa cổ diên, 2 nhà tả hữu mạc đền Tam Phủ. Đây là vốn quý trong kiến trúc cổ dân tộc.
Khu hành lang tạo điểm nhấn, nét cổ kính cho ngôi chùa
Trải qua những biến động của dòng chảy lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, cụm di tích chùa Đình Giá vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc cổ kính uy nghiêm cùng không gian xanh tươi, thanh tịnh. Chính vì thế, chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm. Đây được xem chốn thanh tịnh, yên bình để nuôi dưỡng những tâm hồn muốn tìm chốn an yên.
Bên cạnh đó, chùa Đôi Hồi, đền Tam Phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, từ giữa năm 1943 đến đầu năm 1945 là đầu mối giao thông liên lạc, nơi mật giao các tài liệu và tờ báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh đi các nơi. Đây cũng là nơi qua lại hoạt động của các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ta như đồng chí Xuân Thủy, Lê Quang Đạo.
Bên cạnh thờ Phật, trong không gian di tích chùa Đôi Hồi còn lập phòng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… để tỏ lòng biết ơn, tôn kính với sự hy sinh cao cả cho đất nước của vị lãnh tụ và các vị tướng tài. Chính vì thế, khi đến với không gian tâm linh, an lạc của chùa Đôi Hồi người ta không chỉ cảm nhận được sự tĩnh lặng, thanh thản trong tâm hồn mà còn được vun đắp lòng yêu nước, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chùa Đôi Hồi đã trở thành điểm văn hóa tín ngưỡng và là địa chỉ cầu an bái Phật linh thiêng của nhân dân trong vùng và của khách thập phương trong cả nước. Nơi đây xứng đáng là di sản văn hóa góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc cho muôn ngàn đời sau.
Với những giá trị nêu trên, cụm di tích chùa Đình Giá gồm chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng và cấp 2 bằng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, theo Quyết định số 177-VH-QĐ ngày 5/3/1990 (Canh Ngọ), vào sổ danh mục Di tích lịch sử số 570.