Hàng năm, trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết do mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ càng cao khi đối tượng hút thuốc sớm, số lượng nhiều và thời gian hút lâu dài. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, do đó chi phí dành để mua thuốc lá cũng rất lớn.
Gánh nặng bệnh tật
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chi phí để mua thuốc lá chiếm một phần lớn thu nhập các gia đình. Ở các nước, mỗi gia đình có người hút thuốc phải tiêu tốn từ 3% đến 15% thu nhập để mua thuốc lá.
Cụ thể, tại Australia, tiền mua thuốc lá chiếm 7% chi tiêu của hộ gia đình; ở Hungary là 10,4% và khu vực Tây Nam Trung Quốc là 11%.
Trong khi đó, chỉ 70% số tiền người dân Bangladesh mua thuốc lá hàng năm nếu dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng.
Tác phẩm “Nỗi buồn trẻ thơ". Ảnh: Trần Túy
Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, hút thuốc lá được xem là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vụ cháy rừng và biến đổi khí hậu. Theo thống kê, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%. Theo đó, mỗi năm những người sử dụng thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy, làm 17.300 người tử vong, 60.000 ca thương tích và 27 tỷ USD tổn thất tài sản.
Ngoài ra, các khoản chi phí khác như chăm sóc y tế cho những người bệnh do hút thuốc lá, những thiệt hại do giảm năng suất lao động, do hỏa hoạn và tổn hại về môi trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do thuốc lá gây ra trên toàn cầu mỗi năm vào khoảng 500 tỷ USD.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 12 triệu người hút thuốc lá, trong đó 95% là nam giới. Trung bình cứ hai nam giới thì có một người hút thuốc nên chi phí dành cho thuốc lá rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2012, người Việt đã bỏ ra 22.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) cho tiêu dùng thuốc lá. Một khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh.
Bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá đã gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Khảo sát chưa đầy đủ thì trong năm 2015 người Việt Nam đã bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Số tiền mua thuốc lá trung bình hàng năm của một người hút thuốc lá khoảng 2,7 triệu đồng. Kèm với con số đó trong năm 2013, ngành y tế đã thống kê hơn 23.000 tỷ đồng là tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là 5 trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Mặc dù hai con số giữa chi phí hút thuốc và chi phí điều trị được khảo sát cách nhau hai năm, đến nay con số chi phí cho điều trị có thể tăng lên và chi phí hút thuốc có thể tăng lên rất nhiều cho thấy gánh nặng mà cá nhân, gia đình, xã hội phải gánh chịu do hút thuốc lá gây ra là rất lớn.
Tổn thất kinh tế
Gia đình nhà bà Lê Thị Thảo (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có 3 người con trai, đứa lớn năm nay 25 tuổi, đứa út cũng 21 tuổi. Cả 3 người con của bà đều nghiện thuốc lá. Bà Thảo kể: Đứa đầu hút thuốc từ khi học lớp 10, nó bị bạn bè khích bác nên tập tành hút thuốc rồi nghiện lúc nào không biết. Hai đứa sau cũng theo anh trai và giờ cả 3 đứa đều nghiện. Chúng đốt thuốc như đốt rơm. Có hôm, cả 3 đứa ở nhà, chúng nhả khói thuốc mù mịt khiến tôi ho sặc sụa, phải chạy ra ngoài. Không những thế, khói thuốc còn ám mùi, khiến nhiều người còn tưởng tôi hút thuốc.
Nói về chi phí, bà Thảo thở dài: “Tốn lắm, trung bình mỗi đứa hết 1 bao thuốc/ngày. Như vậy, với giá 15.000 đồng/bao, mỗi ngày gia đình tôi “đốt” 45.000 đồng, vị chi là 1,35 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào vài sào lúa. Thi thoảng có người nhờ chúng đi phụ hồ, xúc cát thuê, mỗi ngày được hơn trăm ngàn đồng. Vì cả 3 đứa đều nghiện thuốc, nên bao năm qua, kinh tế gia đình tôi chẳng phát triển hơn được”.
Tác phẩm "Anh hút, vợ con cũng hút". Ảnh: Nguyễn Nam Hồng Châu
Từ khi ra trường và đi làm đến nay gần 3 năm, nhưng anh Phạm Văn Linh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chẳng tiết kiệm được đồng nào bởi nghiện thuốc lá. Anh Linh kể: Mấy ngày đầu đi làm, thấy các anh trong công ty hút thuốc, anh cũng học đòi hút theo. Với mức lương cử nhân vừa ra trường, trừ tiền ăn tập thể, vì làm xa nhà nên phải thuê trọ và mua lẻ từng bao thuốc mỗi ngày anh chẳng tích lũy được đồng nào cho gia đình và em trai, thậm chí mỗi lúc gia đình có việc còn phải vay tạm bạn bè. Anh Linh nhẩm tính: “Nếu tôi không nghiện thuốc lá, mỗi năm cũng tiết kiệm được hơn chục triệu đồng để giúp đỡ gia đình”.
Nói về số tiền chi tiêu cho việc hút thuốc lá, anh Bùi Minh Thiện (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, hiện nay giá thuốc lá ở Việt Nam không cao vì thế người giàu, nghèo ai cũng có thể hút. Có người hút vì nghiện, có người hút vì muốn tìm cảm giác lạ, nhưng cũng có người hút vì oai, nhất là giới trẻ. Số tiền hàng năm mà những người hút thuốc lá phải trả cộng lại là rất lớn.
Tại các khu vực công cộng như: nhà chờ xe buýt, bến xe, công viên, quán cà phê... hiện tượng hút thuốc lá diễn ra khá phổ biến. Dù rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong đó quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá…
Tuy nhiên thực tế cho thấy quy định này vẫn chỉ mang nặng tính hình thức, hầu như chưa thấy có trường hợp vi phạm được nêu tên hay công bố để răn đe. Thêm nữa mức phạt tiền quá thấp cũng khó đảm bảo tính nghiêm minh, phòng ngừa tái vi phạm.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có biển cấm hút thuốc là hành vi thể hiện sự thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng”. Để giảm thiểu tối đa người hút thuốc lá nơi công cộng và tiến tới xóa bỏ tình trạng này theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung: “Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá từ gia đình, trường học, đơn vị công tác. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm với các hành vi hút thuốc tại nơi công cộng”.
Có thể thấy rằng, thói quen của nhiều cá nhân khi sử dụng thuốc lá đã tác động lớn tới không chỉ đời sống của cá nhân mà còn có tác động tới gia đình, xã hội, gây ra những gánh nặng bệnh tật và cả những tổn thất về kinh tế... Để có một môi trường trong lành, cả xã hội cần phải chung tay hạn chế tối đa tác hại thuốc lá đến cộng đồng sống nói chung và ở nước Việt Nam nói riêng.