Đưa văn chương đến gần công chúng
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa được xác định là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng. Tại Hà Nội, các bảo tàng đang nỗ lực làm mới mình bằng những sản phẩm du lịch văn hóa. Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài nhiệm vụ đó với từng bước chuyển mình.
“Ngôi đền văn chương”
Nằm trên đường Âu Cơ men theo đê sông Hồng, Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập ngày 8/11/2011 và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 26/6/2015. Những năm 1960 – 1975, nơi đây từng là Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam, một địa điểm đào tạo, bồi dưỡng và lưu dấu nhiều kỷ niệm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Vũ Đình Liên, Đoàn Giỏi, Phong Thu, Lò Ngân Sủng, Mã A Lềnh, Võ Quê, Thạch Quỳ, Lê Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Ngát... Và sau này là nơi tụ hội của các cây viết trong từng khóa ngắn hạn của Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du. Điều này góp phần làm nên ý nghĩa trong việc địa điểm được chọn làm Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Bảo tàng có hai phần trưng bày gồm trong nhà và ngoài trời. Phần ngoài trời là khu vườn 20 bức tượng các danh nhân văn học quen thuộc như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Tú Xương… Và các bức phù điêu bằng gốm, mô tả những câu chuyện dân gian, cổ tích, truyền thuyết như An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Sự tích trầu cau, Tấm Cám, Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu)… Phần trong nhà là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu về các nhà văn nổi tiếng theo chiều dài lịch sử văn chương nước ta: văn học thời trung đại (thế kỷ 10 - 19) ở tầng 1, văn học hiện đại/ các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh (thế kỷ 20 - nay) ở tầng 2 và tầng 3 là nơi tôn vinh các nhà văn đoạt Giải thưởng Nhà nước và các kỳ đại hội Hội Nhà văn Việt Nam.
Tại không gian này, nhiều tài liệu, sách cổ viết bằng chữ Hán, chữ Thái, chữ Nôm đến chữ viết của dân tộc Chăm, chữ Quốc ngữ… được trưng bày giới thiệu tới du khách. Cùng với đó là những mô phỏng các hình ảnh kinh điển trong văn học như cảnh lều chõng đi thi của các sĩ tử thời xưa, cảnh Nguyễn Trãi đi dạo trong vườn, Nguyễn Du ở thư phòng, những bức ảnh tư liệu chụp ảnh trường thi, hội đồng thi hay lễ xướng danh thời khoa cử cho đến các tác phẩm, kỷ vật, ảnh tư liệu của các nhà văn thời hiện đại… giúp du khách hình dung dễ hơn về chiều dài lịch sử văn chương đi cùng với dòng thời gian lịch sử nước nhà.
Ngoài ra là các không gian trưng bày theo các chuyên đề như: Không gian sinh hoạt văn hóa nông thôn ở Việt Nam với các hình ảnh quen thuộc từ cây đa, giếng nước, sân đình, đến phiên chợ quê, xuồng ba lá… trong ca dao, tục ngữ. Không gian trưng bày hợp tác, giao lưu với văn học quốc tế nhằm giới thiệu các bức ảnh, hiện vật, tác phẩm văn học Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế…
Với ý nghĩa đó, Bảo tàng Văn học Việt Nam được xem như một “ngôi đền văn chương”. Và đây cũng là tên gọi của không gian đầu tiên thuộc khu trưng bày trong nhà khi du khách bước vào tham gia trải nghiệm tour văn học du lịch.
Tour “Chữ Tâm, chữ Tài” – đưa văn chương đến gần công chúng
Một điểm sáng trong các hoạt động của Bảo tàng Văn học Việt Nam là tour du lịch văn học mang tên “Chữ Tâm, chữ Tài”. Tên gọi này được lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, và từ ngày tour bắt đầu tới nay đã thu hút hàng ngàn lượt khách ghé thăm bảo tàng. Ngoài lịch khởi hành cố định diễn ra vào 19 giờ các tối thứ 7, Chủ nhật hằng tuần trong thời lượng 90 phút, tour còn có các khung giờ linh hoạt đối với các đoàn riêng.
Chị Hoàng Anh, hướng dẫn viên của tour đêm cho biết: “Trung bình mỗi ngày đều có hai đoàn tham gia tour. Mỗi đoàn có số lượng dao động khoảng 30 – 45 người. Vì không gian kín mà đoàn đông người nên khoảng cách giữa hai đoàn cần chênh nhau 30 phút hoặc hơn. Mùa hè, các trường đăng ký cho học sinh tham gia nhiều, vì thế có những tuần phải bổ sung tour đêm vào tối thứ 6, hoặc các khung giờ khác”.
Trong khu vườn tượng danh nhân văn học, du khách được trải nghiệm gánh chữ Tâm, chữ Tài (trên đôi quang gánh là những đèn lồng sáng rực phần chữ) bước vào cửa “Ngôi đền văn chương”. Khi “ngôi đền” mở ra, những hiện vật trưng bày đưa du khách lùi về quá khứ theo tiến trình phát triển cũng như cách mà chữ viết đã lưu truyền thơ văn như thế nào, qua các hình thức và chất liệu khác nhau. Sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng khiến không khí càng thêm thiêng liêng, hào hùng khi các bản Tuyên ngôn độc lập “Nam Quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo” được cất lên.
Tại “Hòn đá thiêng”, chữ “Tâm”, chữ “Tài” và hình tượng chữ “Vương” được lý giải cặn kẽ về nghĩa cũng như những kết nối. Đặc sắc sinh động là tại không gian trưng bày các hiện vật và tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, du khách được nghe các nhà thơ đọc thơ – những tác phẩm phái sinh từ Truyện Kiều của các nhà thơ đương đại; Là hoạt cảnh tái diễn từ trích đoạn trong một tác phẩm văn học nổi tiếng; Là nghe nhà thơ đàn và hát tác phẩm phổ nhạc từ một bài thơ; Hay là những câu chuyện lay động lòng người về tình cảm văn nghệ sĩ…
Cô giáo Hoàng Lan Chi (Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) cho hay chị vô cùng xúc động và thích thú với tour du lịch này. “Thực là một bức tranh toàn cảnh và đầy đủ về lịch sử văn học Việt Nam, tạo cơ hội cho du khách, đặc biệt là các em học sinh được tiếp xúc, có cái nhìn rộng hơn về văn học. Và từ đó, các con được tiếp thêm đam mê, sáng tạo để học văn theo cách riêng của mình và phát triển nhận thức tác phẩm theo góc nhìn đáng yêu của các con”, cô giáo Lan Chi chia sẻ.
Hành trình dài phía trước
Để đẩy mạnh hoạt động nhằm thu hút công chúng đến với Bảo tàng, thời gian qua, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã kết hợp với một số đơn vị khác tổ chức những dự án nghệ thuật nhằm gìn giữ, tưởng nhớ và lan tỏa các giá trị văn chương của các thế hệ trước đến thế hệ sau như: Dự án “Se sẽ chứ…” với chuyên đề thơ Xuân Quỳnh, tổ chức gian trưng bày “Nhà ký ức” nhân Ngày Thơ Việt Nam 2023 tại Hoàng thành Thăng Long…
Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật và tổ chức tour du lịch văn học, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tăng cường công tác truyền thông qua các kênh Facebook, Website nhằm quảng bá để nhiều người biết đến bảo tàng hơn. Không gian cà phê sách trong khuôn viên bảo tàng cũng được đầu tư chỉn chu, trau chuốt.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho hay khi tour “Chữ Tâm, chữ Tài” đi vào hoạt động thì số lượng khách tới bảo tàng đã bất ngờ tăng nhanh, và nhiều du khách đã thực sự ngỡ ngàng trước kho di sản văn chương đồ sộ của văn học nước ta. Đây là một tín hiệu vui đối với Bảo tàng. Thêm một thuận lợi nữa là hiện nay Bảo tàng đã có những kết nối sâu sắc trong giới văn nghệ sĩ, điều này đã hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động, công tác của bảo tàng. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được thương hiệu, để thu hút được nhiều hơn công chúng đến với bảo tàng là một hành trình dài và không ít những gian nan. Được biết, ngoài những tour hiện tại, trong thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng xây dựng kế hoạch tổ chức một số triển lãm chuyên đề, tọa đàm, hội thảo về tác giả, tác phẩm… nhằm lan tỏa vẻ đẹp của văn học đến công chúng./.
"Những ai từng tham gia tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” chắc chắn đều nhận thấy đây là một tour bổ ích, hấp dẫn và chạm đến tái tim mỗi người. Hi vọng ngày càng có thêm nhiều người biết đến tour du lịch này hơn, mở ra những tấm lòng yêu mến hơn với nền văn chương Việt Nam" - Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
"Bảo tàng Văn học Việt Nam là một địa chỉ văn hóa đặc biệt của Hội Nhà văn, là nơi cung cấp cho du khách nhiều thông tin chi tiết về văn hóa và các nhà văn. Đến đây, công chúng ccòn gặp được những kỷ vật của các nhà văn như bản thảo, sách, trang phục, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày... Đồng thời, các tư liệu nơi đây mở ra cho người đọc, người xem những góc nhìn, góc hiểu mới về cuộc đời của các nhà văn cũng như những sáng tác của họ - những cống hiến, thành công lớn nhất của họ đối với cộng đồng và nền văn học nước nhà". - Nhà thơ Trần Đăng Khoa.