Đời sống văn hóa

Truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho học sinh ngay trên ghế nhà trường

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 08:34 12/06/2023

Là cái nôi nghệ thuật hát chèo của vùng đất xứ Đoài - huyện Phúc Thọ (Thành phố Hà Nội), từng hoạt động sôi nổi nhưng hát chèo ở xã Tam Thuấn dần bị mai một. Đứng trước thực tế này, miền đất xứ Đoài ngoại thành Hà Nội đã mở lớp truyền dạy hát chèo, thành lập “làng hát chèo” nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát chèo ở địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung.

Thời gian qua, nhằm bồi đắp tâm hồn, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho các em học sinh, cũng là gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ, Thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình “Sân khấu học đường” và thu về những kết quả tích cực.

z4421354401299_68d2d6e46da3a17dc6f0ae784216f436.jpg
NSND Thúy Ngần về tập huấn hát chèo tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ cho các CLB chèo tại địa phương cũng như "làng hát chèo" xã Tam Thuấn.

Không dừng lại ở đó, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”, tạo nên hình thức học tập mở, hấp dẫn học sinh, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho các em, lan tỏa các loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương...đến thế hệ trẻ.

Hòa vào dòng chảy này, UBND huyện Phúc Thọ đã mạnh dạn triển khai các chương trình, mô hình điểm để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo, mở ra nhiều hứa hẹn.

Từ đưa chèo vào trường học…

Tam Thuấn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa của xứ Đoài, trong đó có nghệ thuật hát chèo đã tồn tại hàng trăm năm. Ít ai biết, NSND Khắc Tư - người tiên phong trong sân khấu chèo thể nghiệm bằng giọng hát, lối diễn xuất chúng, đã để lại dấu ấn với công chúng Thủ đô, cả nước qua những vai diễn trong các vở Quan âm thị Kính, Tiếng hát non Tản, Bông hồng kiêu hãnh, Người tốt nhà số 5... là người con của xã Tam Thuấn.

z4410315937606_070e07b921758dad4fb9da60c0b00947.jpg
Các em học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở xã Tam Thuấn vừa qua đã được cán bộ Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tập huấn, truyền dạy hát chèo.

Thời buổi công nghệ, khoa học kỹ thuật và bùng nổ các loại hình văn hóa giải trí, nghệ thuật hát chèo ở huyện Phúc Thọ nói chung, xã Tam Thuấn nói riêng bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ mai một. Cũng vì thế, chính quyền huyện Phúc Thọ và những người làm văn hóa của huyện rất trăn trở. Câu hỏi “làm gì để có thể bảo tồn, phát huy giá trị và lan tỏa nghệ thuật hát chèo” được đặt ra.

Vậy là UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu, xây dựng kế hoạch để nghệ thuật hát chèo lan tỏa sâu rộng hơn trong nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng trao truyền tới thế hệ trẻ.

“Chúng tôi đã bắt đầu triển khai Kế hoạch tổ chức truyền dạy nghệ thuật hát chèo trong trường học trên địa bàn xã Tam Thuấn, giai đoạn 2021-2025, để lan tỏa, giới thiệu nghệ thuật hát chèo đến các em học sinh, qua đây cũng nhằm tìm ra những tài năng tương lai của nghệ thuật chèo để bồi dưỡng, hướng các em đi tới sự chuyên nghiệp”, ông Đỗ Phan Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ, chia sẻ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch truyền dạy hát chèo cho các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở xã Tam Thuấn mới diễn ra buổi đầu vào trung tuần tháng 5/2023. Tham gia lớp hát chèo là 50 em học sinh của hai trường đã được tuyển chọn, trong đó đa số các em có năng khiếu hát chèo, yêu thích các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Em Trịnh Yến Vi, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Tam Thuấn khoe giọng với làn điệu chèo Dương Xuân.

Tại lớp truyền dạy này, các em học sinh được các nghệ sĩ, nghệ nhân hát chèo của Thành phố Hà Nội, huyện Phúc Thọ, các hội viên Câu lạc bộ (CLB) hát chèo huyện và xã Tam Thuấn giới thiệu về đặc trưng của nghệ thuật chèo. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, nghệ nhân đứng lớp trực tiếp truyền dạy các làn điệu chèo cổ và một số kỹ năng múa cơ bản trong hát chèo đến các em học sinh.

Buổi truyền dạy đầu tiên, 50 học sinh đã được các nghệ sĩ, hướng dẫn viên của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội truyền dạy kiến thức cơ bản về kỹ năng hát chèo, các làn điệu chèo Dương Xuân, Hiếu hạnh vi tiên…với nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với độ tuổi các em, đã tạo được sự hứng thú, cuốn hút các em học sinh. Ông Đỗ Phan Khôi tỏ rõ niềm vui cho biết, buổi truyền dạy đầu tiên nhưng các em học sinh rất hào hứng, một số em bộc lộ được năng khiếu ca hát, thể hiện những làn điệu chèo một cách nhuần nhuyễn và hăng say.

“Thời gian nghỉ hè, các em học sinh trong lớp truyền dạy sẽ sinh hoạt mỗi tuần một buổi. Từ nay đến năm học 2024 – 2025, mỗi tuần Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao sẽ phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân hát chèo tổ chức truyền dạy 1 buổi trong nhà trường. Mỗi trường học sẽ thành lập một CLB hát chèo có sự tham gia của các học sinh, mỗi khối có từ 10 học sinh trở lên. Hình thức học được thực hiện tích hợp, lồng ghép vào các giờ dạy học môn âm nhạc, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng, đã thành danh trong nghệ thuật chèo”, ông Đỗ Phan Khôi thông tin thêm.

tap-huan-hat-cheo-tam-thuan-4.jpg.jpg
Mỗi em học sinh trong lớp học chèo tại xã Tam Thuấn sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để nghệ thuật chèo được lan tỏa rộng rãi đến từng người, từng nhà.

Trong quá trình truyền dạy và kết thúc khóa học, nếu em nào có tiềm năng, nguyện vọng đến với nghệ thuật chèo theo hướng chuyên nghiệp, ngành văn hóa huyện Phúc Thọ sẵn sàng hỗ trợ để các em phát triển thêm và hiện thực hóa ước mơ. Chính quyền huyện Phúc Thọ cũng kỳ vọng, sau khi tham gia các buổi truyền dạy nghệ thuật hát chèo trong trường học trên địa bàn xã Tam Thuấn, giai đoạn 2021-2025, mỗi em học sinh trong lớp sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để nghệ thuật chèo được lan tỏa rộng rãi đến từng người, từng nhà.

Tham gia lớp học chèo, em Trịnh Yến Vi, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Tam Thuấn, cho biết rất vui khi được học, tìm hiểu về nghệ thuật chèo. Trịnh Yến Vi chia sẻ: “Ngày còn bé cháu được bà ru bằng những làn điệu chèo, gần đây cháu xem trên tivi, xem trên mạng thấy nhiều bác, cô chú biểu diễn chèo rất hay nên cháu càng thích hát chèo hơn. Ở nhà cháu vẫn thường đóng cửa phòng để hát theo các cô chú nghệ sĩ chèo. Nếu được bố mẹ cho phép, sau này lớn lên cháu sẽ đi hát chèo, làm nghệ sĩ chèo để giữ gìn nghệ thuật truyền thống”.

…đến “làng hát chèo”

Trước đây, nghệ thuật hát chèo tại xã Tam Thuấn rất sôi nổi, minh chứng là từ năm 2009 địa phương đã có CLB hát chèo với 30 hội viên. CLB hát chèo xã Tam Thuấn trước kia sinh hoạt khá đều đặn, tổ chức được nhiều chương trình giao lưu với các địa phương trong và ngoài huyện. Điều này đã tạo được sự lan tỏa trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và góp sức vào việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Nhưng đến năm 2014, do tác động của kinh tế thị trường và sự bùng nổ thông tin, hoạt động của CLB hát chèo lắng xuống và sau đó ngừng hoạt động. Một số hội viên yêu hát chèo vẫn âm thầm liên kết với các cá nhân, tổ chức khác tham gia tập luyện, biểu diễn và duy trì phong trào hát chèo.

lang-hat-cheo-11.jpg.jpg
Các "nghệ sĩ chèo" của xã Tam Thuấn biểu diễn trong ngày ra mắt "Làng hát chèo".

Để gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam, cũng là vực dậy nghệ thuật hát chèo tại địa phương, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”; UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành Kế hoạch triển khai mô hình điểm “Làng hát chèo” tại làng Thuấn Nội, xã Tam Thuấn. “Làng hát chèo” ra đời từ tháng 9/2020 với sự tham gia của 30 hội viên - những người có khả năng biểu diễn, có kiến thức về nghệ thuật chèo truyền thống.

Ngoài việc sinh hoạt thường xuyên như tổ chức các chiếu chèo ở nhà văn hóa của thôn, xã vào các ngày trong tuần; “Làng hát chèo” chú trọng về công tác chuyên môn khi tổ chức các lớp học hát chèo, tập huấn nâng cao kỹ năng múa, hát chèo cho các hội viên cũng như người dân địa phương có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Từ “Làng hát chèo”, những hạt nhân tiêu biểu sẽ được chọn lựa để tham gia các CLB hát chèo của huyện và tham dự các Liên hoan do Thành phố Hà Nội tổ chức.

Được sự hỗ trợ, quan tâm của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, UBND huyện và Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, các lớp học nhạc cụ dân tộc tạo nguồn nhạc công cho hoạt động biểu diễn cũng được tổ chức tại “Làng hát chèo”. Mỗi năm một lần, “Làng hát chèo” tham gia Liên hoan các CLB hát chèo trên địa bàn cũng như Thành phố, qua đó giúp các cá nhân, các gia đình, hội viên được giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng múa hát, thúc đẩy phong trào gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát chèo truyền thống.

tap-huan-hat-cheo-tam-thuan-1.jpg.jpg
Ông Đỗ Phan Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ.

“Mong rằng tới đây, khi nhắc về Phúc Thọ, người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước sẽ biết đến nghệ thuật hát chèo như một món ăn “đặc sản” của quê hương cùng các sản phẩm nông nghiệp trù phú. Từ đó lưu giữ, truyền tụng và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này ngày một phát triển. Chúng tôi cũng đang hướng đến việc đưa nghệ thuật chèo gắn với du dịch tâm linh, du lịch trải nghiệm ở địa phương để phát triển du lịch, mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Đỗ Phan Khôi chia sẻ.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho học sinh ngay trên ghế nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO