Tôn vinh, quảng bá ngành da giầy thủ công truyền thống
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” của UBND quận Hoàn Kiếm, sáng 11/6, tại Đình Phả Trúc Lâm (số 40 Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND phường Hàng Trống cùng Viện nghiên cứu Da – Giầy (Bộ Công Thương), Hội Da – Giầy TP Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu phát triển làng nghề Da – Giầy Việt Nam tổ chức tôn vinh, quảng bá nghề thủ công Da – Giầy và trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu.
Hoạt động được tổ chức với mong muốn nhân dân và du khách được tham quan, trải nghiệm các kỹ thuật thực hành thủ công truyền thống của ngành da – giầy cũng như góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của một nghề thủ công truyền thống đã có lịch sử từ hàng trăm năm nay.
Đồng thời, việc tổ chức hoạt động tôn vinh, trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm của ngành da giày đã góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng, thương hiệu, sản phẩm của một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế và tăng tính sinh động, đa dạng và phong phú đối với loại hình du lịch làng nghề truyền thống mà Thủ đô Hà Nội đang hướng tới.
Tham dự và biểu diễn khâu giầy thủ công, nghệ nhân Đinh Khắc Tuấn với hơn 40 năm trong nghề chia sẻ, những đôi giầy da thông thường được chế tác theo kỹ thuật may ráp nhiều mảnh da lại với nhau. Việc thiết kế và sản xuất giày như vậy có nhiều ưu điểm. Do yêu cầu cơ lý tính ở các phần trên bề mặt mũ giày là khác nhau, nên việc pha cắt các mảnh da từ các vùng khác nhau trên tấm da vừa bảo đảm các yêu cầu kỹ, mỹ thuật mặt trên của chiếc giày, đồng thời tiết kiệm chi phí da nguyên liệu. Giầy được làm theo cách trên có thể được sản xuất hàng loạt trên dây chuyền thiết bị và không đòi hỏi trình độ tay nghề quá cao của công nhân.
“Những đôi giầy trưng bày ở sự kiện được làm hoàn toàn bằng thủ công và có cấu tạo rất đặc biệt. Nó được làm chỉ từ một mảnh da. Để làm được một chiếc giầy như vậy, người thợ giầy phải vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật, phải mất nhiều giờ lao động và phải là người có rất nhiều kinh nghiệm. Trên thực tế, hiện nay không nhiều người thợ có thể làm được” – nghệ nhân Đinh Khắc Tuấn thổ lộ./.