Từ xa xưa, người thợ điêu khắc Dư Dụ đã nổi tiếng với đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ. Họ đi khắp cả nước để tạo tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật hay các công trình chạm trổ tinh xảo. Cũng chính những người thợ Dư Dụ xưa đã tham gia thi công các công trình trong cung điện của vua Minh Mạng tại cố đô Huế (Thừa Thiên Huế). Nhiều thợ giỏi đã được vua ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn và ở lại Huế lập nghiệp.
Trước đây, sản phẩm chủ yếu của Dư Dụ là đồ thờ, hoành phi, câu đối, tủ, sập... Ngày nay, do nhu cầu của thị trường, những người thợ Dư Dụ chủ yếu chế tác tượng Phật, Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), tứ linh hay các nhân vật lịch sử.
Để tạo được pho tượng sinh động, ngoài sự khéo léo, sáng tạo, óc thẩm mỹ và khả năng quan sát tốt, người thợ Dư Dụ phải trải qua quá trình rèn luyện, học nghề từ thế hệ đi trước. Khâu đầu tiên là tạo hình sản phẩm, thường do các thợ cả đảm nhận bởi đây là khâu khó nhất khi phải sắp xếp bố cục sao cho các đường vân, thớ gỗ khớp với những điểm nhấn để làm nổi bật tính cách, thần thái của nhân vật. Sau đó, người thợ sẽ đục bỏ phần gỗ thừa, tiếp đến là đục chi tiết (khâu hạ). Khâu này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và tuân thủ chặt chẽ các quy luật về nghệ thuật tạo hình, quy luật âm dương ngũ hành, phong thủy... nhằm tạo tác pho tượng cân đối, hài hòa, mang đậm triết lý phương Đông. Sau khâu hạ, người thợ sẽ hoàn thiện và đánh bóng sản phẩm.
Hiện nay, 80% lao động làng Dư Dụ đều theo nghề điêu khắc gỗ truyền thống và có mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, làng Dư Dụ ngày nay còn được biết đến với nghề kim khí nổi tiếng, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.