Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng: Đánh thức một không gian bị lãng quên

Đặng Thủy| 05/03/2020 09:31

Con đường ven bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ mấy tháng nay dường như tấp nập hơn. Sự có mặt của 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng của 16 nghệ sĩ trong Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng đã đánh thức không gian đẹp từng là cửa ngõ giao thương của Hà Nội một thời…

Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng: Đánh thức một không gian bị lãng quên
Chụp ảnh kỷ niệm bên tác phẩm “Thuyền” của họa sĩ Vũ Xuân Đông
Không gian mới, điểm đến mới 
10 giờ sáng, đoạn đường bờ vở ven sông Hồng dường như đã tấp nập hơn. Phía trước bức tường Nhà văn hóa cụm dân cư số 11, những người phụ nữ rôm rả chuyện trò. Có chị bảo nhà ở khu chợ, cách đây vài trăm mét nhưng cả chục năm rồi không ra nơi này, nay thấy mọi người rỉ tai nhau “ra ngoài bờ sông mà xem họ làm đẹp lắm” nên chị mới ra đây. Có chị chỉ tay về chiếc thuyền làm từ các chai nhựa phế thải của họa sĩ Vũ Xuân Đông khoe: “Chị em hội phụ nữ chúng tôi cũng gom được khối chai nhựa cho họa sĩ làm”. Bà Nguyễn Thị Tám, Tổ trưởng Tổ dân phố số 11 vừa xách làn rau từ vườn bãi lên vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. “Trước, chẳng ai dám ra đây chơi cả vì cả đoạn đường này ngập rác. Từ ngày các nghệ sĩ làm dự án, cả đoạn đường này sạch đẹp hơn nhiều” - bà Tám chia sẻ. 

Dựng xe bên cạnh bức tường có tác phẩm của họa sĩ người Tây Ban Nha, anh Viên Ngọc Chinh đến từ Vietnam Back treet Tour tranh thủ check in địa điểm mới. Anh bảo vừa đọc thông tin trên báo tối qua và đến đây để “tiền trạm”, nếu ổn sẽ chọn làm điểm đến cho tour của Vietnam Back treet Tour. 

Cùng là hướng dẫn viên du lịch như Chinh, sáng nay Giang Xuân Hiếu đến Phúc Tân cùng hai vị khách trẻ người Đức. “Họ mới đến Hà Nội hôm qua, và đây là điểm đến thứ ba của họ sau Lăng Bác và Văn Miếu - Quốc Tử Giám” - Giang Xuân Hiếu tiết lộ trước khi Jean trả lời câu hỏi của tôi về cảm xúc của anh khi lần đầu đặt chân đến đây. “Một không gian rất đẹp, rất thoáng đãng, và những tác phẩm nghệ thuật rất thú vị. Nhưng tôi băn khoăn bức tường kia là của nhà người dân, nếu họ không cho phép thì…?” - Jean cười đáp. 
Có lẽ nếu Jean biết câu chuyện về những bức tường đã từng được xây dựng từ gần 30 năm trước với mục đích để bảo vệ hành lang sông Hồng, và bức tường ấy giờ lại chính là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ trong Dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm hẳn anh sẽ vô cùng thích thú.   

Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng: Đánh thức một không gian bị lãng quên
Các em nhỏ vui đùa bên tác phẩm “Bức tường danh vọng” của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế

Nghệ thuật công cộng bảo vệ không gian sống
Ông Nguyễn Văn Quang (nguyên cán bộ Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội) chia sẻ rằng ông đã gắn bó với Phúc Tân tròn 60 năm kể từ thuở lên 5. Trong ký ức của ông Quang nơi đây trước là đồng bãi, rộng rãi và thưa thớt, còn có cả Hợp tác xã chuyên trồng ngô khoai canh tác, mùa nào thức ấy. 

Qua thời gian, bãi bờ xanh mướt ngô khoai ấy không còn như xưa. Nhiều hộ dân đã tự ý san lấp, lấn chiếm bờ vở và lòng sông, hình thành những khu vườn kiên cố… Dù rằng chính quyền đã nhiều lần ra quân xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lấn chiếm tại khu vực này nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn là một thách thức. Đây cũng chính là “bài toán” khó mà lãnh đạo quận Hoàn Kiếm mong muốn các nghệ sĩ cùng chung sức tìm lời giải. 

Giám tuyển dự án Nguyễn Thế Sơn chia sẻ khi nhận “đề bài” từ Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long anh đã xuống “lăn lộn” ở Phúc Tân cả tháng trời, dành nhiều thời gian nghiên cứu về bến sông này. Theo anh, Phúc Tân từng là cửa ngõ giao thương, là nơi giao thoa nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, và cũng chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước. Nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố như nhiều nước văn minh trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Đó cũng là điều mà họa sĩ Nguyễn Thế Sơn băn khoăn. Cũng bởi thế mà anh cùng nhóm nghệ sĩ đã lên ý tưởng thực hiện dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây. 

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế ví von quang cảnh của bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân lần đầu anh đến ngổn ngang như sau trận bão. “Một không gian đẹp, thơ mộng bên sông nhưng đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường, khiến nhóm nghệ sĩ càng có quyết tâm hơn khi tham gia dự án. Nếu như ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước, nghĩa làm đẹp rồi mới sạch.” - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Trên những bức tường còn sót lại ven bờ vở sông Hồng, 16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật đã mang lại sức sống mới cho một không gian tưởng như đã bị lãng quên. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể mà ở đó các tác giả đã gửi gắm những thông điệp, suy tư, chiêm nghiệm của chính mình. Nếu “Xẩm tàu điện”, “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương”, “Bức tường danh vọng”, “Lịch sử vỡ”, “Phù sa”, “Phúc Tân gang” là niềm luyến lưu với lịch sử Thăng Long - Kẻ Chợ, với văn hóa truyền thống của cha ông thì “Phản chiếu song hành”, “Nhà nổi”, “Thuyền”, “Gánh hàng rong” phảng phất bóng dáng đời sống người dân làng vạn chài nơi bến sông xưa. Những vấn đề của đô thị hiện đại cũng hiện hữu trong các tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại”, “Emoji City - Tôi yêu Hà Nội”, “Vòng quay”, “Con voi vàng”, “Sống xanh”…
Đáng chú ý, các tác phẩm của dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy, vành lốp bánh xe máy, ống bô xả… cũng như các đồ rác thải làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm. “Đây cũng là cách mà chúng tôi gửi gắm thông điệp về bảo vệ môi trường” - họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ.

Lan tỏa và gợi mở
Dự án nghệ thuật Phúc Tân - Sông Hồng có thể coi là một điểm sáng trong việc đánh thức các không gian công cộng ở Hà Nội. Sự “thay da đổi thịt” của một không gian tưởng như đã bị lãng quên có sự góp sức rất lớn của cả chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ. “Đề bài” mà quận Hoàn Kiếm đưa ra cho các nghệ sĩ hẳn phải là từ bao trăn trở, còn lời giải của các nghệ sĩ cũng là từ bao ấp ủ, nghĩ suy. 

Diego - kiến trúc sư người Tây Ban Nha gắn bó với Hà Nội gần 25 năm đã khiến cho các nghệ sĩ Việt Nam vô cùng xúc động khi anh chọn bức tường ở khu vực nhiều rác thải nhất để thực hiện tác phẩm. Không ít nghệ sĩ tham gia dự án này đã làm việc trong giá rét căm căm của mùa đông Hà Nội để “đứa con tinh thần” của mình sớm được ra đời. 

Nhiều tác giả tham gia dự án này bày tỏ rằng những e dè, nghi ngại ban đầu về điểm “đen”, điểm “nóng” ở Phúc Tân dần nhường chỗ cho niềm tin và hy vọng trong họ về sức lan tỏa của tác phẩm nghệ thuật trong cộng đồng. Niềm tin ấy đã hiện diện trong họ khi chứng kiến những người dân địa phương cùng nhau gom vật liệu để giúp họ làm tác phẩm; những người thợ xây phụ hồ cũng xắn tay xách vữa xây những bậc thềm… 

Có thế nói, kiến tạo không gian văn hóa sáng tạo đang là một hướng đi của Hà Nội khi Thành phố đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo. Tiếp sau Dự án không gian nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, những nỗ lực của chính quyền quận Hoàn Kiếm cùng nhóm các nghệ sĩ khi thực hiện và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - sông Hồng đã chạm tới giá trị nhân văn sâu sắc khi hướng tới những lợi ích cho cộng đồng. 

Để nơi đây trở thành một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hóa và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương, rõ ràng sẽ còn nhiều việc phải làm như: đầu tư cơ sở hạ tầng con đường ven sông, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…

Khép lại bài viết này tôi lại nhớ câu chuyện của họa sĩ Phạm Khắc Quang trong sáng xuân hôm ấy. Anh kể, nhà anh ở phường Ngọc Thụy, bên kia sông, mỗi lần qua cầu Long Biên cả đi hay về anh đều dừng lại, dõi mắt về Phúc Tân - nơi mà anh và các nghệ sĩ đã dốc sức để làm đẹp cho không gian công cộng ven sông. Lại mong sẽ có nhiều người như anh đến và dõi về bờ vở ấy mai này.
(0) Bình luận
  • Niềm tự hào của xứ Mường huyện Ba Vì trong xây dựng nông thôn mới
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt 1 năm 2024, trong đó có xã Minh Quang (huyện Ba Vì) – địa phương miền núi có tới hơn 40% là đồng bào dân tộc Mường.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
  • Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.
  • Quận Tây Hồ: Nâng cao vai trò nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU
    Vừa qua, Quận uỷ Tây Hồ đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng: Đánh thức một không gian bị lãng quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO