Chính sách & Quản lý

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): 3 nhóm chính sách để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa

Trung Kiên 30/05/2024 18:39

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi và bổ sung năm 2009, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP.

Ba nhóm chính sách của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đó là: 1. Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng. 2. Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. 3. Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

di-san-hat-do.jpg
Hát Dô (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đối với chính sách 1:

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể. Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật. Thứ hai, quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều). Tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 28/6), Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được trình Quốc hội để các Đại biểu cho ý kiến. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Đồng thời, quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tảng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa;

Thứ ba, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bổ sung quy định xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia. Và thứ tư, quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: nhận diện, kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Đối với chính sách 2:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung về quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

hoang-thanh-tl.jpg
Văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 Hội VHNT Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2024.

Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm để phân định rõ các nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngoài ra còn quy định về thanh tra, nội dung kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Đối với chính sách 3:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể di sản văn hóa trong việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân, cộng đồng sở hữu, đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan đối với nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư cho di sản văn hóa và đảm bảo cơ chế phù hợp để khuyến khích hợp tác trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội...

Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nội vụ phối hợp để thống nhất quy định, tránh chồng chéo. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban pháp luật) để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp.

Vì vậy, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định rõ (tại khoản 1 Điều 6) theo hướng, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, để bảo đảm bao quát hết được các lĩnh vực, đồng bộ với các Luật, trong đó có Luật Lưu trữ.

Tuy nhiên, về tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tự có giá trị đặc biệt trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn đang chồng lấn, trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành. Do đó, cần phải rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa hai Luật trong hệ thống pháp luật./.

Bài liên quan
  • “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
    Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): 3 nhóm chính sách để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO