Tiên phong trong lĩnh vực này là tháng 11 vừa qua, Toyota Việt Nam công bố giá bán lẻ mới cho năm 2018 với các mẫu xe lắp ráp trong nước và áp dụng luôn trong tháng. Theo đó, mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam là Vios có mức giảm cao nhất đến 58 triệu đồng, dòng xe đa dụng bán chạy nhất của Toyota tại Việt Nam là Innova cũng được giảm đến 50 triệu đồng; dòng sedan Corolla cũng có mức giảm từ 24 đến 31 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Không đứng ngoài cuộc chơi, chỉ ngay sau khi Hyundai Thành Công công bố giá bán cho năm 2018 một ngày, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) cũng điều chỉnh giá bán mới cho gần như hầu hết các dòng xe Kia và Mazda và áp dụng luôn bảng giá năm 2018.
Cụ thể, Thaco giảm giá cho hàng loạt mẫu xe “ăn khách” là Kia Morning, Kia Rio, Kia Cerato với mức giảm từ 5 triệu đến 25 triệu đồng, sang năm 2018 cũng có mức giảm tương đương.
Tương tự, các mẫu xe Mazda2, Mazda3, Mazda6 và BT-50 cũng có mức giảm từ 10 triệu đến 25 triệu đồng kể từ ngày công bố và từ năm 2018 cũng có mức giảm gần tương đương, tùy vào mẫu xe và phiên bản.
Khác với tâm trạng của anh Kiên, anh Thái Tuấn quê Nam Định đang làm việc ở Hà Nội cho hay, trong lúc anh đang chuẩn bị “chốt” chiếc Kia Cerato bản 1.6 AT với giá 613 triệu đồng, thì Kia công bố giá bán mới rẻ thêm 24 triệu còn 589 triệu đồng đến hết năm 2017.
Không chỉ vậy, từ ngày 1/1/2018 mẫu xe này còn được giảm thêm 10 triệu đồng, giá bán chỉ còn 579 triệu đồng nên anh chưa mua xe ngay mà chờ đợi thêm ít ngày nữa để đón cơ hội “vàng” này.
Theo anh Tuấn, sau nhiều năm tích cóp, anh có nhu cầu mua xe ôtô che nắng che mưa, đi giao dịch hay hội họp, đưa gia đình đi chơi Tết cho bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên, Tết Âm lịch vẫn còn xa, nhu cầu sử dụng cũng không gấp gáp trong khi thời gian đến ngày 1/1/2018 không còn nhiều nên anh quyết định sẽ mua xe sau thời điểm này.
Tính ra, chờ đợi không đến một tháng nhưng giá xe đã rẻ được tổng cộng 34 triệu đồng, chưa kể khuyến mãi của đại lý. Số tiền này cũng đủ cho anh mua được bảo hiểm, các đồ chơi và phụ kiện cho xe phục vụ cho các hành trình của mình.
Cùng chung tâm trạng với anh Tuấn, chị Phương Hà ở phố Bà Triệu (Hà Nội) cũng cho rằng, sẽ chờ thêm mấy tuần nữa, sau thời điểm 1/1/2018 chị mới quyết định xuống tiền mua chiếc Kia Morning.
Lý giải cho việc phải chờ đợi này, chị Hà chia sẻ, với những người có nhiều tiền đắt rẻ dăm bảy hay vài ba chục triệu không quan trọng, nhưng với gia đình chưa dư giả gì, đặc biệt trong khi các hãng xe đua nhau giảm giá thì họ sẵn sàng chờ để tiết kiệm thêm khoảng chục triệu đồng...
Lý do người tiêu dùng có quyết định xuống tiền mua xe hay chờ đợi đến năm 2018 không phải không có lý khi các hãng liên tiếp tung ra các chương giảm giá mới, đồng thời áp dụng giá xe cho năm 2018 với xu hướng giảm hơn.
Theo các doanh nghiệp, việc giảm giá và công bố giá bán xe cho năm 2018 sớm hơn dự kiến là do những thay đổi lớn về chính sách. Trong đó có việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ôtô theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc giảm thuế này linh kiện này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng xe lắp ráp trong nước có thể cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN giảm còn 0% từ đầu năm sau.
Bên cạnh đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho các mẫu xe có dung tích xilanh từ 2.0L trở xuống cũng được giảm thêm 5% từ 1/1/2018.
Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế linh kiện nhập khẩu 0% này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ôtô phải đáp ứng hai điều kiện về sản lượng chung tối thiểu từ 8.000 xe/6 tháng và 16.000 xe/năm; sản lượng bán hàng của mẫu xe phải đạt từ 3.000 xe/6 tháng và 6.000 xe/năm.
Đây là sản lượng trong năm đầu tiên 2018 sau đó nâng dần theo các năm đến năm 2022.
Với các điều kiện trên và xét theo điều kiện thực tế tại thị trường Việt Nam chỉ có Thaco, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam mới có thể đáp ứng được ở một số mẫu xe.
Còn các doanh nghiệp khác dù có đạt sản sản lượng chung nhưng lại là xe nhập khẩu về phân phối hoặc có xe lắp ráp trong nước nhưng sản lượng bán hàng ở mỗi xe vẫn còn khiêm tốn.
Có thể thấy, chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện này, doanh nghiệp nào có doanh số bán hàng cao sẽ được hưởng lợi và ngược lại. Cụ thể là nhờ gia tăng sản lượng nên giá xe sẽ rẻ hơn, đồng thời còn được tập đoàn mẹ chuyển giao công nghệ.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 40% mới có cơ hội xuất khẩu ngược sản phẩm sang các thị trường trong khu vực ASEAN.
Đây cũng là mục tiêu và chiến lược mà Thaco và Hyundai Thành Công đã và đang thực hiện để xuất khẩu ngược sang khu vực trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% từ năm tới.
Theo giới chuyên doanh, việc doanh nghiệp liên tiếp giảm giá bán xe sẽ kích thích tiêu dùng, gia tăng được sản lượng. Việc doanh nghiệp công bố giá bán lẻ xe cho từng giai đoạn sẽ giúp khách hàng lựa chọn thời điểm mua xe hợp lý.
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là điều nghịch lý khi doanh nghiệp công bố những mẫu xe sẽ giảm thêm từ năm 2018 có thể khiến nhiều khách hàng chờ đợi giá giảm thêm mới mua, qua đó có thể doanh số bán hàng của mẫu xe này trong tháng 12 này sẽ giảm sút.
Với những xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm theo thuế khu vực về 0% từ đầu năm tới vẫn còn phụ thuộc vào thông tư hướng dẫn cụ thể nên còn khó phán đoán./.