“Đô thị bền vững”: Tiếp cận tổng thể, đồng bộ xu thế thế giới
Chiều 14/4, phiên hội thảo về “Đô thị bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo “Đô thị bền vững” do UBND thành phố Hà Nội cùng Hội đồng vùng Ile-de-France đồng chủ trì. Đây là một dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.
Ngày nay, các đô thị không những trở thành cực tăng trưởng quan trọng làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chủ đề "Đô thị bền vững" được lựa chọn với ý nghĩa khái quát, tổng kết những kết quả đạt được của các kỳ hội nghị lần trước. Đồng thời, hội thảo là cơ hội gợi mở những hướng đi mới cho sự hợp tác về phát triển đô thị trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 với những tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Tại phiên Hội thảo “Đô thị bền vững”, các đại biểu từ hai phía Việt Nam và Pháp đã đưa ra nhiều tham luận ý nghĩa và thiết thực với nội dung xoay quanh quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tham luận về việc hợp tác với Pháp trong lĩnh vực quy hoạch không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Dự án cải tạo, chỉnh trang không gian hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Diên Hồng đã đem lại một diện mạo mới cho quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến không gian này. Với thành công của dự án, quận Hoàn Kiếm một lần nữa khẳng định đây là dự án kiểu mẫu, một mô hình kiểu mẫu với lối thiết kế mang tính đương đại, đảm bảo gìn giữ và phát huy được các giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của người dân Hà Nội. Vì vậy, với cách tiếp cận dự án này sẽ được quận Hoàn Kiếm nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong các dự án cải tạo, chỉnh trang các không gian công cộng khác trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, sự phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, hạ tầng đô thị, đặc biệt hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục bị quá tải và bộc lộ nhiều hạn chế nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra; tình trạng thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt.
Đồng chí Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đưa ra tham luận hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và áp dụng các công nghệ mới.
Viện trưởng Viện Quy hoạch và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Anh Vũ nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị dễ bị tổn hại nhất do biến đổi khí hậu và là một trong 20 thành phố có nguy cơ bị ngập cao nhất thế giới. Tuy nhiên, yếu tố phát triển bền vững chỉ đề cập chủ yếu dưới góc độ môi trường, các yếu tố xã hội chưa thực sự được chú trọng.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Những thách thức nêu trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ và tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển đô thị trên thế giới để xây dựng các giải pháp về thể chế, chính sách, nguồn lực. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia, các địa phương đã có bề dày kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị.
Sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, Hội thảo “Đô thị bền vững” đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung và chương trình đặt ra. Các bài phát biểu và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của của đô thị.
Với truyền thống hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Pháp trong suốt 50 năm qua, chặng đường tiếp theo sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, nhiều nhịp cầu bạn bè quốc tế được mở ra, không chỉ trong lĩnh vực phát triển đô thị, mà còn các lĩnh vực tiềm năng các bên cùng quan tâm./.