Văn hóa – Di sản

Đình Đại Phùng 400 năm tuổi chuẩn bị đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Việt Thương (T/h) 09:05 12/02/2025

Ngày 15/2/2025 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tới đây, huyện Đan Phượng (Hà Nội) sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng.

477792560_1021302290039565_8909144685262651310_n.jpg

Đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam. Đình Đại Phùng được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, thờ Đức Thánh Tích Lịch Hoả Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng, người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần ở thế kỷ XIV.

Đình Đại Phùng có từ thời vua Trần Nghệ Tông (Hoàng đế thứ 8 nhà Trần, trị vì năm 1370 - 1372). Đình thờ vọng thiên thần Tích Lịch Hỏa Quang (Ánh sáng lửa của tia chớp), tức là Pháp Điện (một trong tứ pháp: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi và pháp điện), ngài được cả tổng Phùng xưa tôn thờ thành hoàng (gồm 8 làng: Đại Phùng, Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì, Tháp Thượng, Thụy Ứng, Thu Quế và Thuận Thượng); và thờ tướng Vũ Hùng (nhân thần), vị tướng đã có công dẹp giặc rợ đời vua Trần Nghệ Tông.

bb.jpg
Ngày 15/2/2025, (tức 18 tháng Giêng Âm lịch) tới đây, huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng

Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2 ở vị trí thoáng đẹp, trông theo hướng Tây. Kiến trúc đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước bốn mùa trong xanh.

Đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan, với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương. Kết cấu ngôi đình theo kiểu “chồng giường - giá chiêng - hạ kẻ” với 6 hàng chân, toàn bộ ngôi đình có 64 cột, đường kính cột lớn nhất trên 0,6m.

Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng chính là trang trí kiến trúc còn giữ nguyên giá trị điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XVII, các mảng chạm khắc dày đặc với gần 1.000 hoạ tiết có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng. Ở nơi đây, nghệ nhân đã thao diễn kỹ thuật một cách điêu luyện dưới dạng chạm bong, lộng với rất nhiều đề tài và bố cục sống động, phản ánh đời sống xã hội đương thời. Tiêu biểu như hình tượng “Vinh quy bái tổ”, “Mả táng hàm rồng”, “Tiên tắm đầm sen”, “Đấu vật”… các họa tiết được chạm khắc hết sức tinh xảo, đậm nét tài hoa của những nghệ nhân.

Nét đặc biệt có một không hai của ngôi đình này là không một chi tiết nào giống nhau, từ họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu... đều là những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác.

mm.jpg

Ngày 9/12/1966 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về dự chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác cán bộ thủy lợi chuyên toàn miền Bắc tổ chức tại đình Đại Phùng. Khi đi thăm di tích, thấy đình Đại Phùng là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt lại đang xuống cấp, Thủ tướng đã đề nghị cấp kinh phí tu sửa cấp tốc.

Năm 2010, đình Đại Phùng được tu bổ, tôn tạo tổng thể. Một số cột gỗ xoan được thay thế bằng gỗ lim, song các họa tiết đặc biệt quý hiếm của đình Đại Phùng vẫn được bảo tồn nguyên giá trị vốn có. Cũng trong năm 2010, đình Đại Phùng được gắn biển Công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Dịp 18 tháng Giêng hàng năm, cả thôn Đại Phùng nhộn nhịp bước vào chính hội. Từ trước Tết Nguyên đán, các hộ gia đình trong thôn đã chung tay đóng góp trang trí đường làng ngõ xóm với những cụm đèn lồng, dải cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo rực rỡ. Bà con còn ra quân dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang diện mạo làng xóm khang trang, sạch đẹp để đón ngày hội lớn.

476225793_1096224095864975_3081151194385136910_n.jpg

Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ các thành phần đoàn thể cùng vào hội. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh tan giặc rợ Cao, giành lại thanh bình cho đất nước.

Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng, trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế trang nghiêm, thành kính theo nghi thức cổ truyền, thì ở phía ngoài đình diễn ra rất nhiều trò vui náo nhiệt. Lễ hội đình Đại Phùng là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước, cầu mong “nhân khang – vật thịnh” đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương.

Ngày 15/2/2025, (tức 18 tháng Giêng Âm lịch) tới đây, huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng. Chương trình được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng và phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như tổ chức triển lãm ảnh, trình diễn cổ phục, chợ đặc sản văn hóa Đan Phượng, hội thi làm bánh tẻ, thổi cơm thi, trò chơi dân gian…

Bài liên quan
  • Lễ hội đền Và nối nhịp cầu giao lưu văn hóa nhân dân hai vùng bên bờ sông Hồng
    Chủ tịch UBND phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) Nguyễn Anh Thương cho biết, sáng 12/2 (Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội truyền thống di tích lịch sử Quốc gia đền Và xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức. Lễ hội là cầu nối giữa hiện tại – quá khứ - tương lai, giao lưu văn hóa giữa nhân dân 2 vùng Sơn Tây (Hà Nội) với Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
(0) Bình luận
  • Hội làng Bát Tràng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
    Năm nay, Lễ hội Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội diễn ra trong 04 ngày, từ ngày 12 đến ngày 15/3/2025 (tức từ ngày 13-16 tháng 02 âm lịch). Đặc biệt, trong dịp này, hội làng Bát Tràng được ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
  • Lễ hội tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Linh Lang Đại vương
    Sáng 9/3, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục, quận Ba Đình trang trọng tổ chức lễ hội tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Linh Lang Đại vương.
  • Gìn giữ, phát huy giá trị của di tích đình Vẽ, phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
    Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Trong số đó, đình Vẽ (hay còn gọi là đình Đông Ngạc) tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, là một trong những ngôi đình cổ kính hiếm hoi vẫn giữ được nguyên vẹn bố cục, cảnh quan kiến trúc và các di vật quý giá. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của đình Vẽ không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc mà còn thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đền Kim Quan
    Tối ngày 7/3 UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đền Kim Quan. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà dự sự kiện.
  • Lễ hội đình Nhật Tân được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Đình Nhật Tân xưa được gọi là điện Nhật Chiêu, đến triều Khải Định đổi thành Nhật Tân. Đình thờ Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang (Uy Linh Lang) là con bà Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu. Uy Linh Lang là người nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, xa gần đều biết tiếng.
  • Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam
    Sáng ngày 6/3, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế". Hội thảo quy tụ các nhà quản lý, các chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hiện đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đình Đại Phùng 400 năm tuổi chuẩn bị đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO