Sự kiện & Bình luận

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024 tại Hà Nội

PV 15:40 07/06/2024

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức thành công Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”.

dt1.jpeg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch 2024, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng. Cùng với đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

“Thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn. Chúng ta phải kiên định với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi thị trường và kinh tế thế giới có vạn biến” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra điểm khác biệt cơ bản trong cách thức điều hành kinh tế xã hội của năm 2024 khi mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng được đặt lên, trong khi năm 2023 đặt trọng tâm vào kiểm soát kinh tế vĩ mô.

Với yếu tố thị trường hiện tại, tính cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và nước ngoài đều trở nên gay gắt hơn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể giành lại thị phần khi thị trường phục hồi nhưng hiện tại sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia giành lấy thị phần cùng các hàng rào gia nhập khó khăn hơn và hành vi của người tiêu dùng cũng khó dự đoán hơn.

Về thể chế, Chính phủ hiện đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giảm câu chuyện "một cửa nhiều ngách".

dt2.jpeg
Quang cảnh diễn đàn.

Ngay như tại kỳ họp Quốc hội lần này, các luật mới như luật Đấu giá tài sản, luật Thủ đô… có tác động lớn về hoạt động kinh tế xã hội. Để ứng biến, các doanh nghiệp cần bám sát để ứng biến khi luật lệ đã được thông qua, thậm chí có kịch bản sớm từ khi có dự thảo.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Các rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường. Phân tích các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều.

TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Đặc biệt, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Australia, nhờ đó sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…

TS. Cấn Văn Lực cho biết, năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213,5 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản khoảng 80.000 tỷ đồng (37%), là những con số không đáng lo ngại.

Từ các phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý..., chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính khác.

Các chuyên gia phân tích, hiện nay bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam. Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng. Vì vậy, việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết./.

Bài liên quan
  • Khởi động diễn đàn công nghệ FORTEC đầu tiên
    Vừa qua, Công nghệ Pháp (French Tech) Việt Nam khởi động diễn đàn FORTEC đầu tiên, cung cấp nền tảng phát triển cho các nỗ lực đổi mới, công nghệ và tiến đến kết nối các hệ sinh thái công nghệ của Pháp và Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều hoạt động tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024
    NHN - Hội Sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 có nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động trưng bày, triển lãm sách với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình”.
  • [Podcast] Phong vị Hà thành trong món ăn của người Hà Nội
    Kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Thăng Long cho đến nay đã hơn 1000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy Thăng Long - Hà Nội đã thu hút nhân tài, thợ thuyền bách nghệ và thương nhân từ khắp bốn phương để rồi chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên nét tinh hoa của đất kinh kỳ. Trong những nét tinh hoa ấy, không thể không nhắc tới tinh hoa ẩm thực Hà thành.
  • Điểm hẹn văn hóa của các độc giả yêu sách
    Hội sách Hà Nội qua 9 lần tổ chức đã trở thành ngày hội giao lưu giữa các đơn vị xuất bản trong cả nước, là điểm hẹn văn hóa của các độc giả yêu sách, góp phần lan tỏa và nâng cao văn hóa đọc đến với đông đảo bạn đọc trong nước cũng như du khách quốc tế.
  • Hoa hậu H'Hen Niê đồng hành quảng bá điểm đến Việt Nam tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood
    Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành với đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong chương trình Xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, thúc đẩy quảng bá tiềm năng các lĩnh vực này đến bạn bè quốc tế.
  • Tạo diện mạo mới chào đón 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” là tiêu điểm trong việc thực hiện tổng vệ sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tạo diện mạo mới chào đón 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024 tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO