“Điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử”
Sáng ngày 9/11/2024, hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học” đã diễn ra tại khách sạn Daewoo Hà Nội.
Diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các bộ ban ngành, các nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn phim, nhà văn, nhà báo…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng thời khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của nhân dân; góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Có thể thấy, không chỉ điện ảnh Việt Nam mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ 5 tác phẩm điện ảnh thì có 1 bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Tại hội thảo, hai chủ đề đã được đưa ra thảo luận gồm: “Làm phim từ đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học - Những thách thức và cơ hội” và “Kinh nghiệm của điện ảnh các nước và các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”.
Các ý kiến trao đổi tập trung phân tích những khó khăn khi đưa các sự kiện lịch sử và tác phẩm văn học lên màn ảnh, từ việc giữ gìn tinh thần nguyên tác đến tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử, đồng thời làm nổi bật các cơ hội giúp dòng phim này đến gần hơn với khán giả. Bên cạnh đó, những bài học và kinh nghiệm quốc tế cũng đã được chia sẻ để đề xuất các giải pháp chính sách, tạo nền tảng phát triển bền vững cho dòng phim lịch sử và chuyển thể tại Việt Nam; góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam./.