Thế giới điện ảnh

Bối cảnh phim lịch sử - Bài toán khó của điện ảnh Việt

Vân Thảo 06:44 15/03/2023

Trong nhiều thập niên qua, thể loại phim lịch sử Việt Nam luôn thiếu và yếu so với các đề tài khác. Để làm một phim lịch sử hấp dẫn không chỉ cần một câu chuyện hay, thu hút khán giả mà còn liên quan đến vấn đề dựng bối cảnh - điều rất quan trọng làm nên “chất lịch sử” của bộ phim và thường khiến công chúng quan tâm thậm chí hơn cả nội dung và ngay từ khi dự án được công bố.

anh-1-dai-canh-cho-noi-trong-phim-dat-rung-phuong-nam-duoc-dung-tai-rung-tram-tra-su.jpg
Đại cảnh chợ nổi trong phim “Đất rừng phương Nam” được dựng tại rừng tràm Trà Sư.

Bối cảnh tự nhiên - càng ngày càng khó tìm

Dù là thành tố quan trọng nhất trong một dự án phim, đóng vai trò cốt tử để có thể làm toát lên được tinh thần, nội dung câu chuyện nhưng đa số bối cảnh phim nói chung và bối cảnh phim lịch sử nói riêng của Việt Nam hiện nay đều chật chội, nghèo nàn. Thập niên 1990 cho tới đầu những năm 2000, chúng ta đã có nhiều bộ phim dã sử cổ trang và lịch sử được đánh giá là hấp dẫn, ăn khách như “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”, “Lá ngọc cành vàng”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Đất phương Nam”,… Trong đó, bối cảnh lịch sử góp phần làm tăng giá trị cho bộ phim mà ở thời điểm hiện tại không thể tìm được nữa do những tác động của tự nhiên và con người.

anh-2-dung-boi-canh-mot-goc-thuong-hoi-phim-my-nhan-.jpg
Dựng bối cảnh một góc Thương Hội (Phim “Mỹ nhân” ).

Cũng như vậy, điện ảnh Việt sẽ không thể tìm được bối cảnh sông nước còn có thể đậm chất Nam bộ như trong phim “Cánh đồng hoang” nếu muốn làm một bộ phim đề tài tương tự. Đời sống của người Chăm, tinh thần của người Chăm trong “Trên đỉnh bình yên” ra đời cách đây khoảng 10 năm cũng sẽ không thể “đậm đặc” như trong “Xương rồng đen” ra đời cách đây 30 năm. Tìm bối cảnh cho phim lịch sử Việt Nam luôn là vấn đề nan giải với các nhà làm phim tâm huyết và yêu thích đề tài này. Nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát - hiện đang cùng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt thực hiện bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” cho biết ekip làm phim đã đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ để tìm những bối cảnh phù hợp cho phim. Nhân vật Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm quê ở Hưng Yên, chuyện phim kể một giai đoạn bà về quê sinh sống, làm nghề bốc thuốc. Vậy nên ngoài những cảnh bến sông, rặng nhãn, Văn Miếu, đền Mẫu được quay tại Hưng Yên, thì ngôi nhà của bà sẽ được dựng tại một làng quê của tỉnh Thái Bình bởi không gian xung quanh đậm chất cổ kính hơn so với làng quê Hưng Yên. Một vài cảnh nông thôn đồng bằng Bắc Bộ sẽ được quay tại Bắc Ninh. May mắn cho đoàn phim là những bối cảnh tự nhiên như bến sông, bến đò, vườn đào Phú Thượng, Nhật Tân đều không phải là những bối cảnh khó tìm.
Trong những năm gần đây có rất ít phim lịch sử dã sử được đầu tư về bối cảnh như “Dòng máu anh hùng”, “Khát vọng Thăng Long”, “Thiên mệnh anh hùng”; bù lại, các nhà làm phim tốn khá nhiều chi phí cho việc này. Ngoài việc khảo sát tìm kiếm bối cảnh ngày càng trở nên phức tạp khó khăn với những bộ phim dã sử thường có những cảnh hành động thì việc đưa cả ekip vài trăm người di chuyển hàng ngàn kilomet ra ăn ở quay phim dài ngày tại địa điểm được chọn làm bối cảnh cũng không phải chuyện đơn giản. Ekip phim “Dòng máu anh hùng” đã đi từ Nam ra các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên để làm phim trong khi đó đoàn phim “Thiên mệnh anh hùng” cũng từ Sài Gòn ra ở lại khá lâu tại Ninh Bình. Nếu không tâm huyết với đứa con tinh thần của mình thì những người làm phim chắc không thể “trụ” được cả về mặt tiền bạc và sức lực như thế. Nhưng họ vẫn còn may mắn là tìm được những bối cảnh tự nhiên theo đúng ý mình để có thể quay phim. Những điện đài lăng tẩm ở cố đô Huế, thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, cố đô Hoa Lư và vùng núi non trùng điệp ở Ninh Bình, hay đơn sơ nhất là cảnh làng quê thanh bình có cây đa, bến nước, triền đê men theo những con sông đỏ màu phù sa với bãi bồi xa tít vốn làm nên nét đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ… chỉ là vài trong số những bối cảnh tự nhiên có sẵn mà các nhà làm phim Việt còn có thể tận dụng để sáng tạo nghệ thuật. Còn lại thì sao? - Dựng hoàn toàn và tận dụng một phần cảnh thật.

Bối cảnh dựng - càng ngày càng giả

Dựng bối cảnh phim không phải là chuyện xa lạ trong sáng tác điện ảnh. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác thiết kế bối cảnh, điều khiến họ đau đầu nhất chính là không có kho dữ liệu tổng hợp cũng như những thông tin mang tính xác thực cao để có thể tiến hành thiết kế. Cho nên dù có tiến hành nghiên cứu tư liệu kỹ càng, các họa sĩ thiết kế bối cảnh vẫn chỉ hi vọng “có ít sạn nhất có thể” và mong khán giả rộng lượng vì “phim nước ngoài, thậm chí đạt giải Oscar, còn có sạn”.

anh-3-boi-canh-chien-luy-trong-phim-dao-pho-piano.jpg
Bối cảnh chiến lũy trong phim “Đào, Phở, Piano”.

Nguồn dữ liệu có tính xác thực cao để làm cơ sở đối chiếu ít ỏi, chi phí cho việc dàn dựng bối cảnh còn khiêm tốn nên dù đã rất cố gắng nhưng bối cảnh nhiều bộ phim lịch sử Việt còn đơn điệu, sơ sài hoặc được khắc phục bằng cách chắp vá quay nội ở một nơi, ngoại ở một nẻo hoặc mượn tạm nơi nào có vẻ cổ kính, xưa cũ hoặc nhiều cảnh giả cổ để quay nhờ. Như phim “Long thành cầm giả ca” quay tại Việt phủ Thành Chương thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội còn phim “Tây Sơn hào kiệt” quay ở Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương.

Họa sĩ thiết kế bối cảnh Viết Hưng, hiện đang công tác tại công ty Cổ phần phim truyện I, hiện là họa sĩ thiết kế của phim “Đào, Phở, Piano” - nói về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm mở màn Toàn quốc Kháng chiến của quân dân Thủ đô Hà Nội - cho biết: Lớp họa sĩ đàn anh có nhiều kinh nghiệm đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, thế hệ kế cận không sinh ra trong giai đoạn chiến tranh cho nên việc tìm tư liệu cho công tác phục dựng bối cảnh là điều khó khăn với bản thân anh khi bắt tay vào dự án này. “Ở Việt Nam, bối cảnh cùng các di tích lịch sử từ thời Pháp trở về trước đó hầu như không còn nữa. Phim có những cảnh chiến tranh trong phố cổ Hà Nội mà bây giờ những con phố như thế không còn nguyên trạng để có thể quay được, nên chúng tôi buộc phải dựng lại 100%. Còn các biển hiệu cửa hàng với văn phong và lối trình bày thì được dựa trên các tư liệu có thật của phố Hàng ở Hà Nội thời đó,” anh tiết lộ.

Việt Nam không có phim trường theo đúng nghĩa nên các nhà làm phim có xu hướng muốn tìm những bối cảnh thật để quay, nếu phải dựng thì không muốn đầu tư quá nhiều bởi các cảnh dựng lên sau đó phải phá bỏ hoàn toàn. Có rất ít phim chú trọng công tác quảng bá nên muốn đầu tư nghiêm túc vào bối cảnh nhằm gây sự chú ý của dư luận từ những ngày đầu như “Đất rừng phương Nam”. Cuối năm 2022, nhà sản xuất bộ phim “Đất rừng phương Nam” công bố hình ảnh phác thảo đại cảnh chợ nổi thập niên 1920 với 300 diễn viên được dựng tại khu vực rừng Tràm Trà Sư tỉnh An Giang. Được biết, khu rừng Tràm đang khai thác làm du lịch nên ekip làm phim phải dựng tới 70% cho thấy một phim trường quy mô, hoành tráng. Tuy vậy, dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Khen có, chê có, thậm chí có người còn khẳng định bản phim điện ảnh này không thể làm toát lên được không gian văn hóa Nam bộ như phiên bản truyền hình “Đất phương Nam” hoàn thành năm 1997 được. Điều đó cho thấy cái khó của phim lịch sử hiện nay không phải là kịch bản, hay diễn xuất của diễn viên, tài năng của đạo diễn mà chính là bối cảnh – một câu chuyện dài trong số nhiều câu chuyện dài của điện ảnh Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Bối cảnh phim lịch sử - Bài toán khó của điện ảnh Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO