Dịch thơ đương đại thế giới: Phải chọn lựa kỹ, tìm hiểu cặn kẽ
Việc lựa chọn được những tác phẩm thơ đương đại kinh điển trên thế giới để giới thiệu đến bạn đọc nước nhà là một vấn đề rất lớn. Để làm được điều này, các nhà dịch thuật phải nắm được thực trạng, xu thế phát triển thơ trên thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng; nắm rõ bối cảnh sáng tác, cảm xúc của tác giả, hình thức, phong cách thể hiện; những nguyên tắc hay lưu ý trong dịch ngược, dịch xuôi…
Hiểu được tầm quan trọng này, sáng ngày 10/12, Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức một cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhiều dịch giả uy tín, các nhà nghiên cứu văn học dịch, các nhà văn lão thành.
.jpg)
Thực trạng và xu thế phát triển thơ đương đại thế giới
Khái quát hiện trạng phức hợp của thơ đương đại phương Tây, nhà thơ - dịch giả Bằng Việt phân tích các đặc điểm của thơ hiện đại và hậu hiện đại và sự nở rộ các thứ thơ theo chủ nghĩa hậu hiện đại cuối thế kỷ XX. Nếu như thơ hiện đại chối bỏ hiện thực thì thơ hậu hiện đại muốn đứng cao trên hiện thực, thóa mạ và coi thường tất cả. Nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng thơ phương Tây từ đầu thế kỷ XX có những thay đổi như đã thoát khỏi những hình thức nghiêm ngặt, chuyển sang thơ tự do. Biên độ các đề tài, cảm xúc và cách thể hiện rộng rãi, khoáng đạt trong sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt đương đại.
Sự tương tác giữa nhạc rap và thơ đương đại cũng thể hiện rõ khi thơ hiện đại ảnh hưởng đến âm nhạc, đặc biệt là nhạc rap. Các nghệ sĩ hip hop sử dụng các biện pháp thơ ca, đặc biệt là thơ tự sự trong các bài hát của họ. Các nhà thơ đương đại phương Tây coi việc sáng tác của mình như một sự khai phóng, bứt phá, giải thể để làm nên một cuộc cách mạng tâm thức. Canh tân thơ mới để thơ có địa vị và chức năng sáng tạo.

Tại tọa đàm, nhiều tham luận đi sâu phân tích về những đặc trưng thơ đương đại ở phương Tây, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ba Lan, Hungary…
Với thơ Nga đương đại, dịch giả Võ Anh Dũng đề cập đến sự đa dạng về phong cách, phong phú về chủ đề. Theo đó, bên cạnh những chủ đề truyền thống như tình yêu, thiên nhiên, cuộc sống, thơ ca Nga hiện đại còn hướng đến những vấn đề xã hội, tâm lý con người, những trăn trở về hiện thực cuộc sống.
Bàn về tính hiện đại trong thơ Ba Lan thế kỷ 20, dịch giả Nguyễn Chí Thuật đề cập đến là sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Thi sơn, bảo vệ những giá trị tổng hợp, độc lập của văn hóa. Còn dịch giả Nguyễn Văn Trung trong tham luận liên quan đến vấn đề dịch thơ hiện đại Hungary, lại quan tâm đến việc lựa chọn các tác giả kinh điển của những thế kỷ trước, và những tác giả có tác phẩm thơ ca xuất sắc của Hungary đại diện cho nền thơ ca Hungary thế kỷ 20 và hiện nay.
Phân tích đặc điểm nổi bật của thơ Trung Quốc đương đại, nhà văn, dịch giả Hà Phạm Phú cho rằng nếu như trước đây, thơ là nguồn văn chương chủ yếu của Trung Quốc vì vần điệu, nhịp điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, thì ngày nay thơ không còn như vậy nữa. "Ngày nay hiếm có các nhà thơ xuất sắc như trước đây. Và hình như vẻ đẹp nghệ thuật thi ca đã phôi pha vì không còn cái chủ ý chặt chẽ từ nội dung đến hình thức", dịch giả Hà Phạm Phú nhận định.
Lưu ý trong chọn thơ và dịch thơ
“Về hình thức thể hiện, thơ hiện đại (và cả hậu hiện đại) thường hay đánh đố người đọc bằng những trò chơi rối rắm của ngôn từ, thích tạo ra ảo giác khác lạ bằng các thủ thuật tinh vi của ngôn từ tối nghĩa, phá bỏ ngữ pháp, phản thơ, phản nhịp điệu; Cố ý làm chói tai, cố ý viết sai chính tả và ngữ pháp, bỏ tất cả các dấu chấm, phẩy, chấm than, bỏ viết hoa ở đầu dòng, hiệp vần phá cách, hoặc đảo vần làm lỗi nhịp, làm mất nhạc tính; xuống dòng vô tội vạ, kể cả các danh từ kép”, nhà thơ Bằng Việt phân tích.
Từ thực tế này, nhà thơ Bằng Việt lưu ý các nhà dịch thuật cần phải chú ý rất nhiều vấn đề trong đọc, hiểu, chọn thơ và dịch thơ. Với bất kỳ ngôn ngữ nào, để dịch tốt, dịch giả cũng cần phải kiên nhẫn đọc và chọn lựa rất nhiều, mới tìm ra bài hay, tác giả hay, để độc giả Việt Nam tiếp nhận. Người dịch cần phải tìm hiểu cặn kẽ để nắm vững nguồn từ vựng, cú pháp và thi pháp của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch; cần tham khảo những tài liệu có liên quan bằng ngôn ngữ gốc và tiếng Việt.
Dịch thơ cũng cần giữ lại ý nghĩa quan trọng trong bài thơ gốc, phản ánh đầy đủ ý nghĩa tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ gốc. Nghệ thuật dịch thuật dựa trên ba yếu tố: Đó là sự hiểu biết thấu đáo của dịch giả về văn bản gốc; trình độ ngôn ngữ của người dịch và kỹ năng dịch của người dịch. Tiêu chuẩn cao nhất của dịch văn học là bản thân tác phẩm dịch phải là tác phẩm văn học với mục đích giới thiệu tinh hoa của văn học bản địa vào văn học thế giới.
Theo dịch giả Hà Phạm Phú, để đánh giá đúng một bài thơ, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cố gắng tìm hiểu, nắm bắt được tứ thơ, ý tưởng và thông điệp tác giả muốn chuyển tải. Để nắm bắt được hình ảnh thơ, người dịch phải nắm được đặc điểm của hình ảnh; liên kết nhiều hình ảnh riêng lẻ để tạo nên một hình ảnh tổng thể.
Còn dịch giả Lê Đăng Hoan trong tham luận về dịch thơ đương đại Hàn Quốc nêu quan điểm: “Thà hát rõ lời mà không véo von, còn hơn hát véo von mà không rõ lời”. Do vậy cần dịch “đúng”, “sát nghĩa” hơn là gia giảm cho thơ hay mà bỏ ý hay xa nghĩa của thơ gốc.
Từ góc nhìn về thơ đương đại Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng nhận định, người đọc Việt Nam hiểu biết sâu rộng về thơ Đường cổ, nhưng hiện nay lại rất hiếm thơ đương đại Trung Quốc được dịch và giới thiệu ở nước ta. Để dịch tốt thơ Trung Quốc đương đại, theo dịch giả Nguyễn Hữu Thăng người dịch phải tìm hiểu sâu bối cảnh mới với những thay đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Trung Quốc, tư tưởng tâm lý của các nhà thơ đương đại được phản ánh qua thi ca. Đồng thời lưu ý tới bối cảnh ra đời của bài thơ, đặc điểm tư tưởng, tâm lý, phong cách của tác giả, ý tứ sâu xa của nguyên tác... để lựa chọn thể loại thơ dịch hợp lý, đảm bảo tiêu chí “Tín-Đạt-Nhã”./.
.