Sân khấu - Điện ảnh

“Đi về phía lửa” lên sóng ngày mùng 3 Tết, tri ân những người lính cứu hỏa trên khắp cả nước

Quỳnh Chi 12/02/2024 16:26

Từ 20 giờ mùng 3 Tết Giáp Thìn (12/2), bộ phim truyền hình “Đi về phía lửa” tri ân lực lượng lính cứu hỏa Việt Nam đến với khán giả cả nước trên kênh K+CINE và ứng dụng K+.

Trailer “Đi về phía lửa” hứa hẹn sự kịch tính, hấp dẫn.

Theo nhà sản xuất, “Đi về phía lửa” là bộ phim dài tập thứ 6 được Truyền hình K+ thực hiện trong những năm gần đây. Tác phẩm do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện, lấy chủ đề những người lính cứu hoả, cứu hộ cứu nạn để kể câu chuyện về một trong những nghề nghiệp được coi là nguy hiểm nhất thế giới. Trong bộ poster nhân vật mới vừa được nhà sản xuất tung ra, khán giả sẽ được bật mí một diện mạo mới mẻ, khác biệt cùng gương mặt còn vương khói lửa của những diễn viên trẻ tài năng như Trần Ngọc Vàng, Lãnh Thanh, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh…

Bộ phim truyền hình này được Việt hóa từ loạt phim truyền hình gây chú ý của Đài Loan (Trung Quốc) với tên gọi “Nước mắt của hỏa thần” (Tears On Fire). Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết, kịch bản phim đã được ê-kíp điều chỉnh tới 98% so với bản gốc, đưa thêm những chất liệu, sự kiện, cảm hứng từ đời thực, nhằm mang tới những thước phim cảm xúc, gần gũi và thấm đẫm tinh thần, văn hóa Việt Nam.

di-ve-phia-lua.jpg
“Đi về phía lửa” là phim truyền hình tri ân sự quả cảm của những người lính cứu hỏa cả nước, đến với khán giả từ tối mùng 3 Tết Giáp Thìn. Trong ảnh là hình ảnh hậu trường phim.

Chuyện phim “Đi về phía lửa” xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của bốn người lính trẻ tuổi Đức Anh, Minh Long, Thanh Hà, Toàn Thắng và đồng đội. Bên cạnh việc khắc họa những ca cứu hộ, cứu nạn đầy gian nan, phải đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim truyền hình này còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa.

“Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao... Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô không khác gì phim điện ảnh. Để thực hiện được những cảnh quay này, đồng thời tái hiện chân thực nhất bối cảnh hiện trường, đoàn làm phim đã nhận được sự trợ giúp và tư vấn của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn PC07, Thành phố Đà Nẵng”, đạo diễn Trần Thanh Huy, cho biết.

Nam đạo diễn thông tin thêm, mục đích thực hiện bộ phim “Đi về phía lửa” nhằm tôn vinh những người lính cứu hỏa cũng như công việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Ê-kíp đã thực hiện bộ phim bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng dành cho những người lính cứu hỏa, và bằng tất cả sự thấu hiểu cho nỗi đau của những người đã đi qua mất mát.

phia-lua.jpg
Hình ảnh trong phim.

Diễn viên Trần Ngọc Vàng tham gia phim truyền hình này kể về quá trình vào vai diễn lớn của mình, đó là ngày nào các diễn viên cũng phải đến đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy để học và luyện tập từ sáng sớm đến 21, 22 giờ đêm. Sau khoảng 10 ngày, các diễn viên mới bắt đầu vào phim để quay. Cá nhân mỗi diễn viên đều có một môn thể thao để theo đuổi, tập luyện hằng ngày để rèn luyện sức khỏe.

Phim truyền hình “Đi về phía lửa” phát sóng vào 20 giờ thứ hai, thứ ba hằng tuần, bắt đầu từ ngày 12/2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn).

ve-phia-lua.jpg
Phim hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ biết ơn và thậm chí theo đuổi ngành nghề nguy hiểm nhưng cao quý.

“Đi về phía lửa” là bức thư tri ân sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ, những người lính cứu hỏa trên khắp cả nước đã không quản ngại gian khổ, vất vả, sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để dập tắt những đám cháy cũng như cứu hộ cho người dân. Phim hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ biết ơn và thậm chí theo đuổi ngành nghề nguy hiểm nhưng cao quý này.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Đi về phía lửa” lên sóng ngày mùng 3 Tết, tri ân những người lính cứu hỏa trên khắp cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO