“Đi trong phố thu” cùng Nguyễn Quang Hưng

Khánh Thư| 03/07/2022 18:35

Đi trong phố thu” - cuốn tản văn thứ hai và cũng là cuốn sách in riêng thứ 14 của nhà báo Nguyễn Quang Hưng vừa được NXB Văn học giới thiệu với độc giả đầu năm 2022. Vẫn một giọng điệu riêng, một phong cách riêng, Nguyễn Quang Hưng đã nối dài những cảm xúc về phố về làng của mình bằng những tản văn nhỏ xinh, thấm đậm suy tư.

“Đi trong phố thu”  cùng Nguyễn Quang Hưng

1.“Phố ở đâu cũng có đôi điều cho ta nghe, để thấy một nỗi niềm, một day dứt, một quyến luyến nào đó từng hiện diện nơi này, làm nên hồn phố” -  Cũng bởi chất chứa ấy mà trong “Đi trong phố thu”, Nguyễn Quang Hưng đã gửi gắm bao nỗi niềm, day dứt từ những điều mà anh đã tìm nghe trong nhịp phố, nhịp người…
“Tôi đi lang thang trong phố, thích thú được làm người du khách nhìn ngắm những gì tưởng quen mắt, nhàm cũ lắm rồi mà kỳ thực lại chưa biết gì về nó. Vì ở sau, ở sâu trong những khung cắt ô vuông, chữ nhật, những đường nét đắp vẽ, những thò ra thụt vào đã có nhiều phần lôi thôi ấy, là những chộn rộn lòng người, phập phồng mạch máu phố xá”. (Cánh cửa chưa bước vào) 
Đặt mình trong tâm thế của “người du khách”, Nguyễn Quang Hưng cảm nhận phố Hà Nội bằng cả sự chộn rộn, say sưa và niềm hoài vọng. Người đọc bắt gặp trong nhiều trang viết những không gian xưa cũ của phố cổ, ấy là những khuôn mặt nhà cao phai  bạc lớp vôi vàng, những hoa văn sắt sơn màu rêu phủ, những giàn hoa, những tàng cây thân mốc… Bên cạnh một Hà Nội xưa cũ là một Hà Nội xanh với “Hoa lá trên cao” với “Linh kiện máy điều hòa thiên nhiên”; một Hà Nội hiện diện trong những trang sách gợi và cả những “khoảnh khắc phố” được lưu giữ trong ống kính của những nhiếp ảnh gia. 
Và nữa, dáng nét dung dị của phố phường còn in dấu trong những con người xưa cũ. Nào bà cụ trông đền liệt sĩ phường Hàng Gai, nào những nhà sưu tập cổ vật, nào ông thợ cặm cụi khâu giầy, rồi bà lão bên bức tường gạch cũ phía “hốc” Ô Quan Chưởng... Họ là một phần của ký ức Hà Nội - một Hà Nội bình dị, dân dã mà cũng rất đỗi thanh lịch, hào hoa. 
Đằng sau những khuôn hình về cảnh phố, người phố, là biết bao nỗi niềm chất chứa. Khi là luyến nhớ, tự hào; lúc là phấp phỏng, trở trăn. “Yêu những khoảnh khắc phố”, Nguyễn Quang Hưng mong ước có nhiều hơn những triển lãm ảnh trong không gian công cộng, có nhiều hơn những người lưu giữ nét đẹp Hà thành. Đau đáu với những khoảng xanh thành phố ngày một hẹp dần, Nguyễn Quang Hưng mong sẽ có nhiều cây, nhiều dáng nét rừng xưa trong phố mới để được “gọi rừng về phố”. Nhìn gốc cây ngột ngạt trong những khối bê tông nơi vỉa hè, Nguyễn Quang Hưng ước làm sao để “đất thở”, để thấy được màu nâu của đất…
Có thể nói, góc nhìn về phố của Nguyễn Quang Hưng không chỉ là cảm nhận vẻ đẹp phố, con người phố một cách đơn thuần. Góc nhìn ấy luôn có sự soi chiếu giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện sự lay trở và trách nhiệm công dân của người cầm bút. Như anh viết trong tản văn “Tìm nghe trong phố” thì “nếu không nhặt lại những chuyện đang trôi dần, thì ngày mai, ngày sau, phố nội thành sẽ rỗng đi nhiều lắm”; và nữa “nếu khuyết thiếu những dữ liệu trầm tích của phố phường thì tác phẩm của lớp người sau này mến yêu Hà Nội cũng không dễ mà thành quả”.
2. Hà Nội là kẻ chợ của những kẻ quê, vậy nên phố và làng cũng có một mối quan hệ mật thiết. Ở “Đi trong phố thu” của Nguyễn Quang Hưng, bên cạnh cảnh phố, người phố thì cảnh quê, người quê cũng đã trở đi trở lại trong nhiều trang viết. Nguyễn Quang Hưng viết về những vùng ngoại ô thành phố, về quê ngoại Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) bằng ký ức tuổi thơ của “thằng bé thị xã chạy về chơi ngày nắng chang chang trên đường rơm phơi”; bằng những câu chuyện mà ngoại kể; bằng những hoài niệm về rơm vàng, khói bếp, về những ngõ dài sâu hút, về dòng sông nâu bạc lấp lánh nắng hắt về từ cây đa đầu làng hay cánh đồng ngút ngát gió…
Những thương mến của những năm tháng cũ vọng về trong những câu chữ của Quang Hưng khiến người đọc yêu hơn không gian văn hóa làng, yêu hơn hồn quê dung dị nhưng cũng đau đáu không kém khi những bóng dáng quê làng, lề thói, nếp xưa cũ dần phai nhạt: “Con đường Đa Sĩ tôi vẫn đi qua để về làng Tả Thanh Oai quê ngoại, vài năm lại thấy đã nhiều thay đổi, từ những ngôi nhà cao ven đường, các cửa hàng, khu chợ. Cả đến bộ mặt ngôi làng cũ cũng đã mới lên với cổng làng xây mới, cổng đình mới, thủy đình giữa hồ nước cũ cũng đã được trùng tu xây lại. Quê tôi cũng vậy, con đường đầu làng đã chật lắm rồi với nhà chen hai bên mà lẽ ra chỉ có một dãy nhà bên này nhìn qua đường ra sông. Người đông đất chật - chuyện mà năm xưa thật khó ngỡ có thể xảy ra ở làng, người ta lấn dần, ở dần, chặt đi những dãy tre xanh ngát ven sông. Những bờ bãi um tùm cây dại lại dần lấp đi để mọc lên nhà cửa, quán hàng…” (Giữ trong quê nhà bình dị mà huyền ảo) 
Không chỉ là những hoài niệm, những chuyến đi về giữa phố - quê, những trải nghiệm từ những nơi mình đã qua, những chuyện trò gặp gỡ… chính là chất liệu khơi nguồn cho những tản văn đầy suy tư, chiêm nghiệm của Nguyễn Quang Hưng. Đọc “Từ chân núi”, “Ý nghĩ bay lên”, “Nghe xuân”, “Lũy thừa xuân”, “Mùa như bạn đến”, “Mỗi năm Tết sớm”… càng rõ hơn những trở trăn, suy tư ấy.
Vốn là một người làm thơ nên những trang văn của Nguyễn Quang Hưng luôn lấp lánh chất thơ. Nói như chia sẻ của thầy giáo Chu Văn Sơn trong lần cậu học trò của mình ra mắt tập tản văn đầu tiên “Năm tháng mặt người” (năm 2016) thì “đọc tản văn của Nguyễn Quang Hưng người ta không thấy đó như là một lĩnh vực “cơi nới” bên cạnh thơ của anh, mà giống như một sự nối dài cho thơ”. Tập tản văn này cũng thế.
Cây bút phê bình Hoàng Thụy Anh sau khi khép lại trang cuối cùng của tập tản văn này cũng đã dành cho Nguyễn Quang Hưng một nhận xét thật xác đáng: “Tản văn dễ viết nhưng khó hay, nhất là tản văn về Hà Nội đã đóng đinh nhiều cây bút như Vũ Bằng, Băng Sơn, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý... Nhưng Nguyễn Quang Hưng đã làm “đầy lên, dầy hơn” cái “kho Hà Nội” theo cách của riêng mình. Điểm nhìn của cái tôi du khách và cái tôi luôn cật vấn bản thân, kiếm tìm cho mình những vang động của tâm hồn trong “Đi trong phố thu” đã minh định tấm thẻ căn cước tản văn của Nguyễn Quang Hưng”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Bảy chuyện kể Gothic" mang đến cho độc giả Việt Nam thể loại văn chương hết sức mới lạ
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa trình làng cuốn sách “Bảy chuyện kể Gothic” của tác giả Isal Dinesen. Với thể loại văn chương hết sức mới lạ, tác phẩm mang đến cho độc giả Việt Nam những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn.
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Nghề thuốc ở xứ Đoài
    Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.
  • Góp thêm tiếng nói xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
    6 đội tham gia “Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Thị xã Sơn Tây đã có những màn trình diễn ý nghĩa góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm,…
Đừng bỏ lỡ
“Đi trong phố thu” cùng Nguyễn Quang Hưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO