Đền Yên Thành

Hanoimoi| 12/07/2022 07:53

Vào thời Lê, Yên Thành là một trong 8 ngôi làng cổ của Thăng Long - Hà Nội, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. 8 ngôi làng này đều có tên được bắt đầu bằng chữ “Yên”, gồm Yên Thuận, Yên Ninh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Canh, Yên Diên, Yên Định, Yên Quang. Đền Yên Thành là ngôi đền cổ thuộc làng Yên Thành xưa, nay có địa chỉ tại số 28 phố Phan Huy Ích (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình).

Đền Yên Thành

Tại Hà Nội, ngoài đền Yên Thành còn có đình Giao Tự (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) là hai nơi thờ vua bà cuối cùng của vương triều Lý là Lý Chiêu Hoàng, hay Chiêu thánh Hoàng hậu (1218-1278) - vị hoàng đế thứ 9 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Lý (1009-1225). Bà lên ngôi Hoàng đế khi mới 8 tuổi (năm 1224) và trị vì đến năm 1225. Sau đó, theo sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ, bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (1218-1277). Vương triều Lý chính thức kết thúc sau 216 năm tồn tại, đồng thời cũng là lúc bắt đầu của vương triều Trần, kéo 175 năm (1225-1400) với 13 đời hoàng đế.

Đền Yên Thành được hình thành từ khá sớm, đến nỗi không ai còn nhớ chính xác niên đại khởi dựng, nhưng ngôi đền vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống kiểu chữ “đinh”, gồm nhà tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế quay mặt ra phố Phan Huy Ích, gồm 3 gian 2 chái, được xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói ta, chia kiểu “thượng tam - hạ tứ”, đặt trên hệ thống 6 hàng chân cột gỗ đứng trên các chân tảng đá xanh hình tròn. Diềm mái được chạm hình hổ phù, hoa lá, chữ triện... Hệ thống mái được đỡ bằng các vì kèo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Nền nhà lát gạch Bát Tràng. 

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đền Yên Thành được thể hiện rõ nét trên các bức chạm nổi hình rồng; kẻ, xà ngang, đấu kẻ đều được chạm hình lá đề, vân xoắn. Hậu cung gồm 3 gian chạy dọc về phía sau, nối với tiền tế tạo thành hình chữ “đinh”. Hậu cung được chia làm hai phần, gian ngoài đặt ban thờ 8 vị vua triều Lý, hai gian cung cấm thờ Lý Chiêu Hoàng - nơi đặt tượng vua bà ngồi trên long ngai, trong khám gỗ chạm rồng tinh xảo. Đây là pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật đặc sắc. 

Đến nay, trong đền Yên Thành còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật có giá trị như hương án, sập thờ, cửa võng, kiệu rước, thần tích, câu đối, bia đá, chuông đồng, khánh đá... đặc biệt là 5 đạo sắc phong thần của các triều đại phong tặng vua bà Lý Chiêu Hoàng cùng 21 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX. 

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, năm 2005, đền Yên Thành đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

(0) Bình luận
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đền Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO