Sau khi Nghị định 69/NĐ-CP được ban hành, UBND TP Hà Nội đã có những điều chỉnh, đề xuất xây dựng phương án theo tình hình thực tế tại dự thảo Đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (CCC) trên địa bàn TP Hà Nội” đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp, phản biện. Sau đó UBND TP sẽ trình Thành ủy và HĐND TP xem xét, thông qua làm căn cứ triển khai thực hiện.
Theo đánh giá, Thủ đô Hà Nội chiếm tới trên 60% lượng CCC, vì vậy cần phải xây dựng phương án đặc thù để thí điểm thực hiện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo (áo trẳng). (Ảnh: Doãn Thành). |
|
Thưa ông, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà CCC. Theo ông, Nghị định này có tác động thế nào đến việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà CCC của cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng?
- Có thể khẳng định, căn cứ vào điều kiện pháp lý sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP, vướng mắc trước đây về cơ bản đã cơ bản tháo gỡ. Ví dụ về vấn đề hệ số (K) quy định rõ ràng hoặc chế độ tạm cư cho người dân... đều làm tốt hơn, tạo điều kiện để người dân thêm nhiều quyền hơn. Về phía doanh nghiệp (DN) trong Nghị định 69 cũng quy định rõ hơn, như ưu đãi về tiền thuê đất, huy động vốn... Những điểm mới đó sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Nhưng đấy là xét trên tổng thể, còn đối với từng địa phương, như Thủ đô Hà Nội cần phải xây dựng phương án riêng cho một số nội dung cụ thể, sẽ rất khó để triển khai thực hiện nếu Hà Nội áp dụng y nguyên những quy định tại Nghị định 69.
Căn cứ vào đâu để nói rằng Thủ đô Hà Nội khó có thể triển khai thực hiện, nếu áp dụng y nguyên quy định tại Nghị định 69/NĐ-CP?
- Trước hết hãy nhìn vào thực trạng quá trình xây dựng, cải tạo lại CCC trên địa bàn Hà Nội trong suốt 15 năm qua, mới chỉ có 19 khu CCC được xây dựng lại, chiếm khoảng 1,2%, số lượng quá ít trong cả quãng thời gian dài. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ vướng mắc tại các văn bản pháp luật trước đó, đặc biệt là Nghị định 101/2015/NĐ-CP. Chủ thể quan trọng nhất, quyết định sự thành công trong công cuộc này, gồm: Nhà nước, DN và Nhân dân, đều không thể hiện hết được vai trò, trách nhiệm của mình. Nếu 3 chủ thể này làm tốt thì mọi vướng mắc được giải tỏa, tiến độ của công cuộc cải tạo, xây dựng lại CCC sẽ nhanh hơn.
Nhưng ngay cả Nghị định 69 mới đây, cơ quan soạn thảo vẫn đang né tránh việc quy trách nhiệm cho từng đối tượng cụ thể trong luật, đây là điểm đáng tiếc. DN lợi nhuận cao mới làm, thiếu trách nhiệm với xã hội. Nhân dân đòi quyền lợi vượt quá mức chi trả của DN, thiếu trách nhiệm với cộng đồng... vậy thì thời gian tới đây khi thực hiện Đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ” Hà Nội phải làm như thế nào? Nếu cứ triển khai y nguyên theo quy định, trách nhiệm không thuộc về ai, không có chế tài, mọi việc vẫn sẽ giậm chân tại chỗ như thời gian qua.
TP Hà Nội nên xây dựng cơ chế đặc thù trong cải tạo, xây dựng lại CCC. (Ảnh: Hải Linh). |
|
Hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai lấy ý kiến, góp ý, phản biện dự thảo Đề án “Cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn TP”. Theo ông, Đề án cần phải có “đột phá” ra sao để công tác này được thực hiện một cách thuận lợi?
- Tôi cho rằng, TP Hà Nội phải xây dựng và đề xuất phương án đặc thù để triển khai thí điểm một số khu CCC trước theo cơ chế mới. Nếu xảy ra vướng mắc, khó khăn gì thì bắt tay vào giải quyết hoặc xin thay đổi cơ chế, mọi thứ ổn định mới đưa vào triển khai đồng bộ, như vậy sẽ đảm bảo thành công. Điều quan trọng nhất lúc này liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện, đáng mừng sau nhiều năm Hà Nội đã có một Ban chỉ đạo về xây dựng, cải tạo lại CCC, cơ quan chuyên môn độc lập chứ không còn hình thức chỉ đạo xong các đơn vị cùng phối hợp thực hiện nữa, tránh mất thời gian, không giải quyết được nhiệm vụ trọng tâm.
TP Hà Nội nên xây dựng cơ chế đặc thù theo 2 hướng: Về phía người dân, vướng mắc nhất hiện nay liên quan đến quyền lợi, cụ thể là hệ số tính giá đền bù giải phóng mặt bằng (Hệ số K - PV). Nghị định 69 quy định từ 1 - 2 lần, nhưng chắc chắn người dân sẽ thắc mắc vì chỗ được đền bù cao, nơi lại phải chịu mức thấp, điểm này TP Hà Nội có thể thực hiện cơ chế đặc thù cao hơn một chút, sẽ dễ dàng tạo sự đồng thuận cho người dân, vì giá nhà đất ở Hà Nội cao hơn nhiều địa phương khác. Đồng thời cũng phải đưa cả chế tài vào quy định, nếu người dân không chấp hành thì áp dụng để xử lý.
Đối với DN, thời gian qua TP Hà Nội đã xây dựng cơ chế và cũng được đưa vào một số điểm tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP với nhiều ưu đãi: về thuê đất, miễn giảm thuế, cơ chế về đấu thầu... Theo tôi, TP nên nghiên cứu, đưa thêm nội dung theo đề xuất của DN, được chuyển đổi một phần diện tích sử dụng để bán thương mại nhằm đảm bảo lợi nhuận, khuyến khích DN tham gia đầu tư. Ngược lại DN cũng phải xác định, công việc này có ý nghĩa xã hội rất lớn, không nên đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao.
Xin cảm ơn ông!