Những chuyển biến rõ nét
Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ TP Hà Nội liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức. Trong đó, TP đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của T.Ư về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ TP kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn.
Từ dấu mốc năm 2008, khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, những vấn đề văn hóa, xã hội, con người của Hà Nội có sự điều chỉnh, bổ sung về chính sách, chủ trương, kế hoạch, kinh phí, tổ chức lại hệ thống quản lý văn hóa trên địa bàn. TP tập trung xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; nếp sống thanh lịch, văn minh.
Để phát huy sức mạnh văn hóa, TP Hà Nội đã tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.
Vì vậy, Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tỉnh, TP, các cơ quan, đơn vị, các Đại sứ quán tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước, con người, du lịch tại Thủ đô Hà Nội. Với những nỗ lực đó, TP ngàn năm không chỉ là trái tim của cả nước mà còn được bạn bè thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. TP đã ban hành và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (giai đoạn 2016 - 2020) và đến giai đoạn 2021 - 2025 là Chương trình 06 - CTr/TU ngày 17/3/2021.
Tiếp đó, Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ (2020 - 2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.
Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa (trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu kép, vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là bước tiến đột phá, quan trọng.
Trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP ban hành các Nghị quyết, dành nguồn lực, thông qua các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ. UBND TP các cấp, các ngành và các quận, huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa
Một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác định trong Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, đó là việc quan tâm, đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa tại cơ sở.
Theo báo cáo của UBND TP, đến tháng 3/2022, toàn TP có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp TP, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hóa của TP, hàng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao; qua đó nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân, tiêu biểu như: TP đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao 9.824 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng).
Các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại. Một số quận, huyện có cách làm sáng tạo như: Quận Cầu Giấy xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ quận đến tổ dân phố, đầu tư khu vui chơi giải trí cho trẻ em trong công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô và 3 trung tâm văn hóa thể thao phường.
Quận Long Biên có 90% số tổ dân phố có nhà văn hóa và đã có 57 điểm được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa, vườn hoa, khu công cộng theo hình thức mở để người dân được tự do luyện tập vào tất cả thời gian.
So với các tỉnh, TP trên cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ đầu tư cho thiết chế văn hóa cao hơn. Theo số liệu của Bộ VHTT&DL, tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa tại hai địa phương có GDP đầu người vào hàng cao nhất miền Bắc là Hà Nội và Vĩnh Phúc cho thấy, từ năm 2015 Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 812 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng chi ngân sách. Năm 2020, Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin với tỷ lệ cao nhất là 0,767% tổng chi ngân sách.
Tại Vĩnh Phúc, nơi có nhiều di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia, nhưng trong giai đoạn từ 2015 - 2020, kinh phí chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là rất thấp.
Năm 2015, Vĩnh Phúc chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin, thể thao, phát thanh truyền hình là 229,144 triệu đồng thì đến năm 2017 chỉ còn là 207,279 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 0,544 tổng chi ngân sách địa phương, tỷ lệ này đến năm 2019 còn giảm xuống mức 0,43%.
Thời gian tới, theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
"Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc." - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội - GS.TS Vũ Minh Giang
"Công tác văn hóa - văn nghệ của Hà Nội rất phong phú đa dạng, tiêu biểu cho cả nước. Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo, nghị quyết, đưa văn hóa vào cuộc sống. Cùng với đó, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả nội dung này; liên tục nhiều khóa đều có chương trình công tác lớn dành riêng cho phát triển văn hóa." - Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm
(Còn nữa)