Chính sách & Quản lý

Đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di tích Văn Thánh Miếu, Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Hương Giang 18:20 17/12/2024

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia - di sản văn hóa thế giới, di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám sẽ được Thừa Thiên Huế đầu tư tu bổ, phục hồi trong thời gian tới.

Quốc Tử Giám Huế là một trong những biểu tượng văn hóa giáo dục của Việt Nam được khởi dựng dưới thời vua Gia Long với tên gọi Đốc học đường tại An Ninh Thượng và được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn... Năm 1908, dưới thời vua Duy Tân, công trình Quốc Tử Giám được di dời và xây dựng lại tại số 1 đường 23/8 (Kinh thành Huế).

z6139310365179_6f72727c8cd4da779fa47e7464908c73.jpg
Di Luân đường trong Quốc Tử Giám.

Chính giữa Quốc Tử Giám là Di Luân đường với kiến trúc gỗ hai tầng được xây dựng vào năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng. Trải qua nhiều năm, nhiều hạng mục bên trong Di Luân đường đã xuống cấp, mục ruỗng. Giữa sân phía trước mặt Di Luân đường là tấm bia đá Huỳnh Tự Thư Thanh có khắc bài thơ của vua Thiệu Trị nói về cảnh đẹp trường Quốc Tử Giám nằm bên bờ sông Hương ở An Ninh Thượng (nay là phường Hương Hồ, TP Huế).

Nằm bên phải Di Luân đường là dãy phòng học của các giám sinh và bên trái Di Luân đường cũng là dãy phòng học, cư xá - nơi ở của các giám sinh.

z6139310365180_92024e1669bf21b166e1b5e23b1206df.jpg
Cư xá - nơi ở của các giám sinh.
z6139310368642_c9321c3589afd94e8ede5df363070b43.jpg
Dãy phòng học của các giám sinh.

Sau chiến tranh, di tích Quốc Tử Giám trở thành Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và lưu giữ, trưng bày gần 30.000 hiện vật quý giá. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã quyết định di dời các hiện vật về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ (TP Huế) nhường lại không gian cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý. Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua dự án bảo tồn, tôn tạo Quốc Tử Giám với vốn đầu tư 108 tỷ đồng và mục tiêu hoàn thành vào năm 2028.

Tương tự, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo, phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1) với vốn đầu tư dự kiến gần 66 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của một di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Di tích Văn Miếu được xây dựng vào năm 1808 dưới thời vua Gia Long trên một khu đất rộng khoảng 3ha, bên trong di tích Văn Miếu có các công trình Linh Tinh Môn, Văn Miếu Môn và Đại Thành Môn.

Di tích Văn Miếu Huế (hay còn gọi là Văn Thánh Miếu) là công trình có tuổi đời hơn 200 năm, đóng vai trò đặc biệt trong Quần thể di tích cố đô Huế nằm ở số 72 đường Văn Thánh (phường Hương Hồ, TP Huế). Đây là nơi thờ Khổng Tử và các vị thánh hiền nhằm tôn vinh, khuyến khích Nho học và đã trải qua hơn 2 thập kỷ nên di tích Văn Miếu đã có nhiều lần tu sửa, xây dựng thêm các công trình phụ vào các năm 1818, 1822, 1895 và 1903 nhưng đến nay di tích Văn Miếu đang dần bị xuống cấp theo thời gian.

image.daidoanket.vn-images-upload-quocn-11092022-_z3848229152811_dc25341082b3cee9eedf4dc860060b01.jpg
Di tích Văn Miếu sẽ được tu bổ, tôn tạo và phục hồi.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VIII nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh Thừa Thiên đã xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1) và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế. Theo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với các nội dung trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bởi đây là các dự án quan trọng, cấp thiết cần bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, cân đối bố trí nguồn lực sớm triển khai thực hiện.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di tích Văn Thánh Miếu, Quốc Tử Giám triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO