Dấu chân về đồng bằng

Hanoimoicuoituan| 21/07/2022 15:47

Mẹ đưa cho tôi túi quần áo rồi bảo tôi đi theo bố. Bố tôi đã đi ra đến cổng. Ông xách chiếc ba lô đã sờn và đứt một bên quai, không quên mang chiếc điếu cày bóng loáng. Tôi nhìn mẹ khó hiểu. Lẽ ra tôi phải ở nhà đỡ đần mẹ chứ. Dù gì có mỗi tôi là thằng con trai lớn nhất. Mẹ lắc đầu, dúi vào tay tôi cái bọc nilon nhỏ rồi đẩy tôi ra cửa.

Dấu chân về đồng bằng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Một khoảnh khắc đường đột trong lần đầu tiên tôi bước ra khỏi cái xóm núi nghèo này. Tôi vẫn nhớ như in lúc tôi quay lại thì thấy con Ngàn và con Ngát đang ngơ ngác nhìn tôi. Còn mẹ thì vội khép cánh cửa gỗ ọp ẹp.

Bố tôi đi trước. Ông không ngoái lại nhìn. Dường như ông không hề quan tâm đến việc tôi đang theo ông ở đằng sau. Tôi lủi thủi đi cách bố vài bước, luôn cố giữ khoảng cách, không quá gần cũng chẳng quá xa, đủ để theo sát ông mà không mất dấu. Những bước đi của bố nặng nề, ông lê đôi dép tổ ong sứt sẹo xuống đường đất bụi lầm. Lớp bụi ken đặc vào hai cái gấu quần lò xo.

Rồi bố con tôi cũng ra đến đường lớn. Bố tranh thủ rít một hơi thuốc lào. Mắt ông lim dim, miệng nhả ra làn khói trắng và khuôn mặt giãn ra, nhẹ tênh. Tôi nhìn ông, không một chút xúc cảm. Đột nhiên, ông mở mắt, quay sang tôi, chìa chiếc điếu cày: “Làm bi chơi!”. Tôi bối rối vì câu nói của bố. Rồi ông cười khà khà, phô ra hàm răng đen xỉn: “Thằng đàn ông như mày, vứt!”.

Tôi cúi mặt. Tôi đâu đã là một thằng đàn ông như bố tôi nói. Tôi chưa mười bảy tuổi. Bố bảo, bằng tuổi tôi thì ông đã làm ra tôi rồi...

Một lát, ô tô tới. Chúng tôi lên xe và mau chóng ổn định chỗ ngồi.

Xe bò qua những triền núi, những con dốc...

Bố tôi đã ngáy đều đều, tiếng ngáy đặc khản khói thuốc lào.

Tôi thấy lòng mình chênh chao, không điểm tựa. Núi đồi nhạt nhòa bỏ lại phía sau. Tôi ôm ghì chiếc túi vào lòng. Cố nhắm mắt và mường tượng cảnh đồng bằng đông đúc...

***

Thế là tôi đã đặt chân xuống đồng bằng.

Cứ ngỡ phải náo nhiệt ồn ào lắm, nhà cửa cao tầng san sát nhau, đèn đường rực rỡ đủ sắc màu. Vậy mà đồng bằng cũng buồn tẻ như cái xóm núi của tôi, chỉ có điều ở đây không có núi.

Bố dẫn tôi nhập hội với mấy người thợ cũng từ xa tới. Mỗi người một quê, vì kế sinh nhai mà về đây. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng gì đó tôi không hiểu. Tôi ngồi bệt xuống đất, bên cạnh đám hoa xấu hổ như những cục bông tím ngắt bé xíu, nhìn xung quanh la liệt toàn túi đựng quần áo, chăn màn, rồi đồ đạc xoong nồi bát đũa. Bố bảo, chú Bích cai thầu sẽ cho thợ dựng lán để ăn ở, sinh hoạt ngay tại bãi đất này.

Phụ trách hậu cần là chị Tơ, hơn tôi chừng dăm tuổi. Chị đã đi theo đám thợ để phụ việc và nấu ăn ngót chục năm. Người chị tròn lẳn, chắc nịch, làn da bánh mật, hai gò má lấm tấm những nốt tàn nhang. Mấy người bảo tôi nghỉ sớm rồi phụ chị nấu cơm, rửa bát. Tôi quẳng cái xô đã hết vữa xuống đất rồi ngồi quệt mồ hôi, thở. Tiếng cười nói bắt đầu rộ lên: “Có gì không biết làm thì bảo chị ấy dạy luôn cho”. Tôi ngẩn người trước những cái nháy mắt khó hiểu của đám thợ. Chị lườm, gắt: “Gớm, phải gió mấy nhà các người”. Bố tôi từ đâu đi tới đá cái xô lăn lông lốc rồi phủi tay ngồi rít thuốc lào.

Sau mấy ngày máy xúc vào quần bãi đất, đổ móng xong, chú Bích cho chúng tôi ăn một bữa tươi. Ông chủ nhà từ Hà Nội về lại xách cho can rượu ngâm chuối hột và thêm cả vài món nhậu. Tôi không muốn uống nhưng dưới sự mời mọc, khích bác của cánh thợ, tôi liền nốc cạn mấy chén. Trong đầu tôi văng vẳng câu nói của bố: “Thằng đàn ông như mày, vứt!”. Trước mắt tôi cứ hiện lên cái nhìn khinh khỉnh của bố. Tại sao chứ? Việc tôi chưa thành một thằng đàn ông thực sự thì đâu ảnh hưởng gì tới bố? Bố cứ việc đi làm cái thằng đàn ông của mình đi. Rồi hai khóe mắt tôi cay xè, chén rượu tống vào mồm mặn chát. Toàn thân tôi run rẩy rồi tê dại. Những âm thanh cười nói cứ bùng nhùng ở bên tai, lúc gần lúc xa rồi tắt hẳn. Tôi không thể gượng dậy nổi, tất cả chỉ là bóng tối. Hơi thở tôi mệt nhọc và yếu ớt. Muốn khép mắt lại. Đột nhiên tôi thấy chị Tơ hiện ra, mơ hồ, như khói sương. Chị cười, nụ cười bảng lảng tan vào đêm, nào mắt, nào tóc, nào môi... và những bắp thịt tròn lẳn, mát rượi...

Bất giác tôi tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn quanh. Vẫn một ngọn đèn bé xíu thoi thóp thở trong lán. Mọi người đang ngáy đều đều. Những bát đũa xoong nồi ngổn ngang dưới đất. Đầu tôi nặng trịch và mụ mị. Vô tình tôi chạm tay vào thân dưới. Một mùi hăng hắc xộc lên. Tôi mơ hồ nhớ lại giấc mơ lạ lẫm. Nhìn sang phía bên kia, chị Tơ vừa trở mình. Tôi vội vã quay đi.

Trong những cuộc trò chuyện với chị Tơ, tôi biết chị có một đứa con nhỏ đang để ở quê cho mẹ nuôi. Mười sáu tuổi, chị đã làm mẹ. Tôi không thấy chị nói về cha của đứa trẻ. Tôi cũng không gặng hỏi. Chỉ thấy mỗi lần nói về chuyện quê nhà, chị thoáng buồn và đôi mắt như ngấn lệ. Tôi nhìn vào mắt chị như thấy vời vợi nhớ thương và cả những xa cách nghìn trùng. Những lúc đó chị lại dằn mạnh cái xô vữa xuống đất, mặt cúi xuống vờ như đang quẹt sạch những mảng vữa bám ở trong xô, rồi hắng giọng bảo tôi đứng dậy lấy cái nọ cái kia. Tôi miễn cưỡng đứng lên. Chị vội vã lấp đầy cái khoảng trống lễnh loãng bằng bài hát quen thuộc của dân tộc chị mà tôi không hiểu.

***

Tôi thường giúp chị Tơ nhặt rau, nấu cơm, rửa bát. Mọi người trêu đùa, gán ghép tôi với chị làm tôi đỏ mặt. Những tràng cười rộ lên. Chú Bích bảo bố tôi chuẩn bị nhận con dâu đi. Bố im lặng, không buồn nhìn sang, lại rít một hơi thuốc lào và chầm chậm nhả khói. Tôi liếc nhìn bố, trong đôi mắt như vẩn lên những tia máu đỏ lự. Chị Tơ không để ý gì đến tôi và bố, chị cười, lơi lả, như thể cái việc trêu đùa của mọi người là một điều quen thuộc lắm. Tôi lại liếc nhìn chị, ý nghĩ miên man trôi. Tôi nhớ có những buổi chiều, tôi và chị xách rổ ra bãi đất bên bờ sông tìm rau dại. Những bụi rau tầm bóp ngằn ngặt xanh, lún phún những cánh hoa trắng nhỏ xíu. Tôi hái đầy rổ những đọt rau xanh non mỡ màng, từng chiếc lá mỏng, dài và nhọn sực lên một mùi tươi mới hăng hắc. Thấy tôi có vẻ lạ lẫm, chị bảo, rau dại thôi nhưng mà ngon lắm, lúc đầu mới ăn thì có vị đắng nhưng sau thì ngọt, như kiểu khổ tận đến ngày cam lai đấy. Tôi cười, bảo, chị cũng chữ nghĩa thế. Chị ghé vào tai tôi, thì thầm, ấy là chị nghe bố tôi nói thế. Tôi chợt sững lại trong vài giây.

Buổi tối, cánh thợ chúng tôi không có việc gì làm. Hát hò mãi cũng chán, chiếc loa rè cứ kẽo kẹt mấy bài hát ỉ ôi thất tình đến nẫu cả ruột. Để thay đổi không khí cho anh em, mấy tối nay chú Bích rủ mọi người chơi bài. Xong thì rượu hoặc có hôm nào trúng quả thì karaoke, bia bọt. Vừa được mấy ván, tôi đã bị vặt sạch tiền. Bố quay sang chửi tôi là thằng vô dụng. Tôi không nói gì, lẳng lặng bỏ ra ngoài. Chiếu bài vẫn tiếp tục, tiếng cười hoan hỷ của người thắng và tiếng chửi tục của kẻ thua. Tôi nghĩ về cái bọc tiền mẹ dúi vào tay tôi hôm tôi đi theo bố, từng đồng tiền mặn chát mồ hôi, sờn cáu những nhọc nhằn. Cả những đồng tiền của tôi dính đầy xi măng cát sỏi. Thoáng qua một chiếu bài.

Tôi bước ra khỏi lán. Tiếng nước xối đâu đây nghe thật gần. Tôi đưa mắt nhìn sang. Chợt giật mình khi thấy bờ vai trần của chị Tơ thập thò sau tấm bạt căng tạm làm nhà tắm. Tóc chị bới cao, để lộ cái cổ tròn trịa và một bờ vai chắc nịch. Mắt tôi hoa lên, đôi chân luống cuống đụng phải mấy cái xô chậu để trước lán. Chị giật mình quay ra, ngơ ngác nhìn tôi tháo chạy.

Tôi cứ bước đi vô định. Một cảm giác bứt rứt khó tả. Đôi chân nặng trĩu rã rời. Tôi bước đi trong đêm mười bảy tuổi.

Nơi làng quê ven sông hiu quạnh và buồn tẻ.

Chẳng khác gì cái xóm núi nhà tôi, chỉ khác nơi đây không có núi.

Đám đàn ông từ những xóm núi như nơi quê tôi tỏa về đồng bằng, để lại đàn bà và con trẻ, như mẹ tôi, như em tôi. Còn chúng tôi, gửi gắm cho họ được những gì? Những đồng bạc lẻ cuối cùng cũng ra đi từ chiếu bài. Và cơn say sau những cuộc vui. Quán karaoke bình dân ở đầu làng mở ra để phục vụ những khách hàng bình dân như chúng tôi, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu không chỉ là ăn uống, hát hò. Tôi đã trở thành một thằng đàn ông bất đắc dĩ để được bố tôi thừa nhận trong trạng thái say xỉn chẳng biết gì. Mỗi khi nhớ lại chỉ thấy sao mà đắng đót.

Đôi chân đưa đẩy tôi ra bờ sông. Bầu trời đêm thanh sạch ôm chứa một mảnh trăng non run rẩy. Những bờ bãi ven sông nhưng nhức một màu non mởn. Tôi khỏa tay vào bụi rau tầm bóp, những giọt sương tan vào da thịt mát lành, dịu nhẹ. Nơi đây in bao dấu chân của tôi và chị Tơ trong mỗi chiều đi kiếm rau về nấu. Chợt có tiếng bước chân đi đến và cả tiếng người nói. Loáng thoáng những âm thanh quen thuộc. Là giọng nói của bố tôi và chị Tơ. Sao họ lại ra đây vào thời khắc này? Tôi mải miết lắng nghe. Nhưng chỉ là tiếng gió. Tôi thấy gió nóng phả vào mặt tôi ngột ngạt và bức bối. Rồi những bụi cây xô dạt vào nhau, vặn xoắn. Chỉ còn tiếng thở hổn hển.

Những bụi rau tầm bóp dập nát. Xộc vào mũi tôi, hăng và đắng ngắt.

Mảnh trăng dần tan thành những sợi khói thuốc lào bay lên.

Tôi như một ngọn đuốc đang bốc cháy lao xuống dòng sông.

Giá như mẹ không bảo tôi đi cùng bố...

(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Dấu chân về đồng bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO