Dấu ấn trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác gia đình
Dự thảo “Kết quả thực hiện Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 3/1/2013 của Chính phủ về Công tác gia đình” vừa được Bộ VH-TT&DL đăng tải để lấy ý kiến nhân dân (từ 5/11 – 4/12/2024). Theo đó, sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Nghị định 02/2013/NĐ-CP, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình tới nhân dân.
Bộ VH-TT&DL cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động bằng nhiều hình thức.
Điển hình là tọa đàm, hội thi, hội diễn, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim lưu động, tin, bài, phóng sự, tuyên truyền cổ động trực quan, khẩu hiệu, lồng ghép trong các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các buổi sinh hoạt, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, buôn, khu phố... góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, ý nghĩa của việc PCBLGĐ, giúp các thành viên trong gia đình có kiến thức, có kỹ năng sống, chủ động phòng ngừa sự xâm nhập của các tai tệ nạn xã hội vào gia đình; thực hiện nếp sống văn minh trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Công tác tuyên truyền về gia đình, công tác gia đình là nội dung được Bộ VH-TT&DL và các Bộ, Ngành luôn quan tâm, được thực hiện ở nhiều địa phương với các cấp độ khác nhau. Năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã phát động chiến dịch truyền thông PCBLGĐ nhân Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc.
Bộ VH-TT&DL cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án lồng ghép nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc và PCBLGĐ vào chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các cuộc họp tổ dân phố; các hoạt động truyền thông cộng đồng tại cơ sở nhằm đưa các quy định của Luật, chính sách của Đảng và Nhà nước tới từng hộ gia đình, từng người dân.
Bên cạnh đó, các Bộ, Ngành trong hơn 10 năm qua đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các đề án, chương trình tuyên truyền về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình như: Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và PCBLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm công tác truyền thông về trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới và phòng, chống các tệ nạn xã hội trong gia đình trên 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội, mạng viễn thông và truyền thông trực tiếp đến gia đình.
Hằng năm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tổ chức sản xuất, phát sóng trung bình 52 chương trình truyền hình Vì trẻ em, 52 chương trình truyền hình An sinh xã hội và các tin, phóng sự ngắn, phim tài liệu về trẻ em trong đó có trẻ em trong gia đình và các lĩnh vực do Bộ quản lý trên các kênh sóng truyền hình, truyền thanh. Từ năm 2016, Chương trình “Một giờ đường dây nóng” được sản xuất và phát sóng trực tiếp trên VOV Giao thông, thu hút được đông đảo người nghe. Trang Thông tin điện tử của Bộ thường xuyên đăng tải các tin, bài liên quan đến công tác đến công tác trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt đến tất cả các cán bộ, công chức trong ngành thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Bộ VH-TT&DL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn với các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường truyền thông bình đẳng giới và PCBLGĐ; tổ chức tập huấn về bình đẳng giới và PCBLGĐ cho các cơ quan truyền thông và ban ngành chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở. “Trong hơn 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã biên soạn và phát 3.413.129 tờ rơi, tờ gấp; 11.303 tranh cổ động, áp phích; 2.617.819 cuốn tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình. Tổ chức hơn một nghìn hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ cho gần một trăm nghìn lượt người là báo cáo viên, cộng tác viên pháp luật của Hội liên hiệp Phụ nữ và tuyên truyền viên tại cộng đồng dân cư” – Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.
Bản tin công tác của Trung ương Hội và Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có 306.178 tin, bài, phóng sự về PCBLGĐ. Triển khai tập huấn với 1.625 khóa đào tạo cho 105.096 cán bộ Hội Nông dân từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực truyền thông về PCBLGĐ, trách nhiệm của nam giới trong PCBLGĐ. Các cấp hội đã tổ chức 22.141 hoạt động tư vấn với sự tham gia của 844.507 nam nông dân có nguy cơ cao gây BLGĐ, 29.206 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mít tinh, giao lưu sân khấu hóa với sự tham gia của 2.919.478 nam nông dân tại gần 8.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Cũng trong giai đoạn này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013 - 2020”; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an triển khai các nội dung liên quan đến công tác Bình đẳng giới, Hôn nhân và gia đình, PCBLGĐ, phòng chống nạn xâm hại trẻ em, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt nữ thanh niên và trẻ em gái.
Các tỉnh thành trong cả nước đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các bản tin và bài viết phát trên hệ thống truyền thanh tại xã, phường; tuyên truyền trực quan trên các tấm pano, khẩu hiệu; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhân các Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11),...
Đồng thời, các địa phương cũng xây dựng tủ sách pháp luật, tờ rơi về PCBLGĐ; nhân bản và biên soạn, phát hành các tài liệu nhằm chuyển tải thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ đến đông đảo người dân. Ngoài ra, các tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ. Các Đội thông tin lưu động của tỉnh, huyện xây dựng các chương trình văn nghệ với nội dung đa dạng phong phú, gồm những tiểu phẩm, vở kịch về xây dựng gia đình văn hóa, PCBLGĐ, biểu diễn trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo nhân dân đến xem.
Nhiều Hội thi, liên hoan, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11); Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và các ngày lễ kỷ niệm khác với sự tham gia của các gia đình và Câu lạc bộ, đội, nhóm cũng được tổ chức… góp phần khẳng định gia đình là yếu tố quyết định trong tiến trình xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện./.