Những ngày này, cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) đang gấp rút hoàn thành các phần việc chuẩn bị cho triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”. Sự kiện sẽ diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào ngày 2-10 tới. Gần 100 hình ảnh, tư liệu lưu trữ về địa giới hành chính thành phố Hà Nội của những thế kỷ trước, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, cho thấy những biến động không ngừng của thành phố hơn nghìn năm tuổi, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tầu cho biết: Kể từ đợt cải cách hành chính năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831) với việc xóa bỏ Bắc Thành và lập tỉnh Hà Nội, cho đến nay, mảnh đất này đã trải qua nhiều đợt thay đổi địa giới hành chính. “Chúng tôi kỳ vọng, triển lãm sẽ không chỉ phác họa được đầy đủ những biến động sâu sắc về địa giới của Hà Nội, mà còn giúp người xem cảm nhận được dụng ý, mong mỏi của người xưa dành cho mảnh đất luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Tầu nhấn mạnh.
Với kỳ vọng này, triển lãm không thể thiếu những tư liệu đánh dấu từng giai đoạn lịch sử, như: Bản đồ Hà Nội các năm 1873, 1890, 1902...; Nghị định số 791 ngày 17-7-1914 của Đốc lý Hà Nội về việc chia Hà Nội thành 8 khu (8 quận)... Đi kèm tư liệu gốc là những minh họa đắt giá, diễn giải rõ nét, giúp người xem hình dung rõ hơn về thành phố trong giai đoạn đó. Như tấm bản đồ Hà Nội năm 1902 được thể hiện với thông tin: “Năm 1902, thực dân Pháp lập Hà Nội làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Vào thời điểm này, Hà Nội có khu vực nội thành với diện tích rộng hơn 10km2 và vùng ngoại thành nằm ở phía Đông Nam thành phố”.
Với tấm bản đồ thành phố Hà Nội năm 1935, không ít người sẽ bất ngờ với việc địa giới hành chính Hà Nội một thời được xác định bằng cách lấy số làm tên phố qua thông tin: “Vùng nội thành đã được mở rộng đáng kể. Khu Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của thành phố và là địa giới phân biệt giữa khu phố cổ cùng những con đường ngoằn ngoèo với khu phố mới, mang lối kiến trúc hiện đại kiểu ô bàn cờ. Khu phố cổ với 36 phố phường mật độ dân cư dày đặc, trong khi khu phố mới dân cư, biệt thự còn thưa thớt. Phố chưa có tên và được đánh dấu bằng các ô số. Chiều của thành phố lúc này từ Bắc xuống Nam, trải dài từ hồ Trúc Bạch đến điểm cuối là hồ Bảy Mẫu…”.
Giáo dục lịch sử, bồi dưỡng niềm tự hào
Đến với triển lãm này, công chúng Thủ đô và du khách trong, ngoài nước thêm lần nữa có cơ hội tiếp cận nhiều hình ảnh đánh dấu những sự kiện mang tính lịch sử của Hà Nội. Đó là các bức ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô ngày 16-11-1959; Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp quản Thủ đô năm 1954…
Để giúp người xem nắm bắt, xâu chuỗi thông tin một cách có hệ thống, triển lãm được tổ chức thành 3 giai đoạn theo dòng chảy lịch sử, gồm: Địa giới hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ năm 1945 đến năm 1954; địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ sau năm 1954. Trong đó, giai đoạn từ năm 1873 đến năm 1954 là khoảng thời gian ghi nhận nhiều chuyển biến sâu sắc nhất của Hà Nội, từ một đô thị của Nhà nước phong kiến độc lập, trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân; từ quy hoạch và kết cấu của một đô thị mang dáng vẻ phương Đông đi vào quá trình cận đại hóa dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa thực dân Pháp...
Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến, những tư liệu, tài liệu về địa giới không chỉ cung cấp những hiểu biết về những thay đổi trên các lĩnh vực quy hoạch, hệ thống các đơn vị hành chính, tên phố…, mà còn phản ánh những biến chuyển sâu sắc của Hà Nội về nhiều phương diện, như: Không gian địa lý, môi trường sinh thái, không gian địa - chính trị, địa - văn hóa, không gian hành chính… “Với những tài liệu chuyên sâu, được diễn giải mạch lạc, đi kèm những thông tin gắn với đặc điểm đời sống, văn hóa, phong tục, thói quen canh tác, truyền thống đánh giặc giữ nước… hấp dẫn, triển lãm là cơ hội cho những ai muốn tìm hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Yến khẳng định
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội Vũ Đức Tuyên: “Lịch sử luôn diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định. Vì vậy, xác định khung không gian của các sự kiện giữ một vị trí quan trọng trong nghiên cứu lịch sử. Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” với mục tiêu đưa đến bức tranh toàn cảnh về những chuyển động địa giới hành chính của Hà Nội suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, góp phần tăng sức hấp dẫn người xem, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.