Đặt tên đường phố Hà Nội: Còn nhiều bất hợp lý

Trần Văn Mỹ| 06/09/2021 16:12

Người Hà Nội số 8/2021 có đăng bài viết “Xin trả lại tên phố cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu” của PGS. TS Vũ Nho. Đó là một ý kiến rất xác đáng đề cập đến sự sai sót xoay quanh tên gọi của phố Nguyễn Siêu. Cũng nhân chuyện tên phố Hà Nội, xin được góp bàn thêm đôi điều trăn trở về sự bất hợp lý, cần được nghiên cứu và chỉnh sửa ở một số tên đường phố khác ở Thủ đô hiện nay.

Đặt tên đường phố Hà Nội: Còn nhiều bất hợp lý
Một góc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nhìn từ trên cao. 
1.Phố Minh Khai
Tháng 6/1964, trong đợt đổi tên phố, hai phố chùa Hưng Ký và phố Mai Động đã được hợp lại thành phố Minh Khai. Phố Minh Khai nguyên là một đoạn thành đất vòng ngoài bao quanh kinh thành Thăng Long xưa.

Phố Minh Khai dài 2745 mét, đi từ Ngã tư Trung Hiền (cuối phố Bạch Mai) đến đê sông Hồng (dốc Vĩnh Tuy). Từ một con phố heo hút, trải hơn 60 năm xây dựng, giờ đây Minh Khai đã có nhà cao, đường rộng và đặc biệt ở gần cuối phố này có khu đô thị Times city hiện đại. Nhiều cư dân muốn tìm hiểu tên gọi Minh Khai nhưng khó tìm được lời giải đáp tường tận. Vì theo họ, đơn thuần hiểu theo âm Hán - Việt thì Minh Khai chỉ có nghĩa mở ra một vùng sáng. Một người khác hiểu lịch sử cách mạng Việt Nam thì quả quyết rằng tên phố Minh Khai nhằm tôn vinh công trạng của bà Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Các sách lịch sử và Từ điển đường phố Hà Nội mới xuất bản đều khẳng định như vậy. Theo quy định của ngành tư pháp, khi đi làm các giấy tờ tùy thân, sơ suất viết nhầm một dấu cũng đã trở thành người khác. Không một cơ quan nào chấp nhận sự nhầm lẫn đó. Để cho “trọn nghĩa vẹn tình”, Thành phố Hà Nội cần sớm làm các thủ tục cần thiết để sửa một nhầm lẫn kéo dài đã 57 năm, đổi phố Minh Khai thành phố Nguyễn Thị Minh Khai.

2. Phố Nguyễn Khắc Hiếu
Phố Nguyễn Khắc Hiếu dài 232 mét chạy dọc trên bán đảo Ngũ Xã ở bên bờ phía Đông hồ Trúc Bạch. Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), hiệu là Tản Đà, quê làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt nay là huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông học Quốc ngữ, chữ Pháp rồi làm báo, viết văn. Ông chủ trương nhiều tạp chí như Hữu Thanh ra đời năm 1921, An Nam tạp chí ra đời năm 1925… Ông viết nhiều thể loại nhưng nổi tiếng nhất là  thơ ca. Thơ ông ngôn ngữ điêu luyện, có tính dân tộc đậm đà thể hiện tinh thần yêu nước yêu dân. Việc lấy một con phố thơ mộng đặt tên cho một tài năng thơ quả rất xứng đáng. Nhưng đáng lẽ phố ấy phải đặt là phố Tản Đà mới đúng. Vì Tản Đà (lấy núi Tản sông Đà làm bút hiệu) được toàn dân Việt Nam biết đến chứ gọi Nguyễn Khắc Hiếu theo tên thật thì ít người biết lắm. Gần đây, một con đường ở phía Tây nội đô Hà Nội đã được đặt tên là đường Tố Hữu, nhà thơ cách mạng Việt Nam, chứ tên thật của ông là Nguyễn Kim Thành.

3.Phố Nguyễn Trung Ngạn
Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi (1304), ông đỗ Hoàng giáp cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Nguyễn Trung Ngạn có tài tổ chức hành chính và kinh tế. Năm 1337, giữ chức tào vận sứ ở lộ Khoái Châu, ông đặt lệ dựng kho chứa thóc để chẩn cấp cho dân nghèo. Vua Trần Hiến Tông tán thưởng việc làm này và đã ra lệnh cho các lộ bắt chước làm theo. Năm 1341, ông được cử làm Kinh sư đại doãn tức là chức quan đứng đầu kinh thành Thăng Long. Ông có tập thơ chữ Hán Giới Hiên thi tập. Ngoài ra, ông cùng Trương Hán Siêu soạn Hình luật thư và Hoàng triều đại điển là những pho sách về pháp chế đương thời.

Ở Hà Nội có nhiều nơi thờ ông: đền Tiên Hạ ở ngõ Phất Lộc, đền Mỹ Lộc ở phố Nguyễn Hữu Huân, đền Hương Tượng ở phố Mã Mây… Sau năm 1945, Hà Nội có đặt tên phố Nguyễn Trung Ngạn. Từ nhiều năm nay, Nguyễn Trung Ngạn là một phố cụt, ở số 18 phố Nguyễn Công Trứ rẽ vào. Một con phố tôn vinh công trạng to lớn của một ông quan đứng đầu kinh thành mà chỉ như một cái sân, hai bên có ba bốn số nhà. Từ nhiều năm nay, những người sống lâu năm ở Hà Nội cũng ít biết đến phố này. Vì sao lại có sự cố này? Tìm hiểu được biết, theo quy hoạch cũ, thành phố sẽ mở một con đường chạy song song với phố Lò Đúc bây giờ. Con đường to đẹp của tương lai sẽ được đặt tên ngài “thị trưởng” đời nhà Trần cho xứng tầm. Nhưng vì nhiều lý do, quy hoạch có thay đổi nên hơn 70 năm qua, ý tưởng đẹp đẽ đó không bao giờ thành hiện thực. Giờ đây, sự “lỡ nhịp” của lịch sử cần phải được thay đổi cho hợp lý. Thành phố sớm tìm một con phố đẹp đặt tên là Nguyễn Trung Ngạn để tiếng thơm của ông được thế hệ hôm nay và mai sau biết tới.

Tản mạn về tên phố Hà Nội còn nhiều. Nếu có dịp đi dọc ngang các phố Hà Nội chúng ta sẽ còn thấy thêm những bất hợp lý nữa. Ngay như tên danh nhân người nước ngoài có biển phố ở Thủ đô cũng có điều phải bản. Ở giữa phố Lò Đúc có phố Yec Xanh, ghi công một nhà vi trùng học, dịch tễ học Pháp nổi tiếng Yersin. Lâu nay biển phố vẫn đề theo dạng phiên âm. Theo nguyên tắc, tên nước ngoài phải để nguyên ngữ mới đúng. Ở trường hợp này cần được sửa ngay là “phố Yersin” cho hợp chuẩn quốc tế.

Từ năm 1995, nhiều xã ven đô đã trở thành phường, nhiều con đường và phố mới được mở ra. Để giữ lại nét văn hóa xưa, cần giữ lại đến mức cao nhất tên gọi của làng xã cũ. Năm 2004, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì trở thành phường của quận Hoàng Mai. Vùng đất này được người Chiêm Thành khai phá từ năm 1470, tên gọi khi đó là trang Vĩnh Hưng, sau vì kiêng húy nên đổi gọi Vĩnh Tuy. Khi xã Vĩnh Tuy trở thành phường, để khỏi trùng với phường Vĩnh Tuy thuộc quận Hai Bà Trưng, dựa vào sử cũ và ý nguyện của dân, thành phố đã đặt phường là Vĩnh Hưng, con đường chạy qua phường cũng được đặt là Vĩnh Hưng với mong muốn được mãi mãi thịnh vượng. Gần đây nhờ cống hóa một sông nước thải đã hình thành một phố mới to đẹp trên đất Vĩnh Tuy Đoài thuộc trang Vĩnh Hưng xưa, nay thuộc phường Vĩnh  Tuy quận Hai Bà Trưng, đáng lẽ phố mới phải đặt là phố Vĩnh Tuy Đoài mới đúng.

Cũng năm 2004, vùng đất phía Tây Bắc huyện Thanh Trì được thành lập quận. HĐND Thành phố đã ra nghị quyết lấy tên Vạn Xuân là Quốc hiệu nước ta thời Lý Nam Đế đặt tên cho quận này. Lấy Quốc hiệu đặt cho một quận đã không được các nhà nghiên cứu và nhân dân đồng tình. Bàn đi tính lại, thành phố lấy tên gọi Hoàng Mai. Tên gọi rất đẹp và an bài được 27 năm nhưng nay mỗi lần nhớ lại, người viết vẫn thấy chưa thỏa đáng. Vì các phường của quận mới nằm gọn ở phía Tây Bắc huyện Thanh Trì, thời Trần Lê gọi Thanh Đàm (đầm nước trong), năm 1573, vì kiêng húy vua Lê Duy Đàm nên đổi gọi Thanh Trì. Trên đất Thanh Đàm có trường học nổi tiếng của nhà giáo Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, gần đó có hồ Linh Đàm gắn với sự tích người học trò thủy thần của Chu Văn An đã hy sinh thân mình để làm mưa cứu lúa của dân. Hiện nay, bảy làng quanh hồ Linh Đàm thờ người học trò này làm Thành hoàng làng. Do một mắc mớ nào đó chúng ta đã bỏ lỡ việc khôi phục tên gọi Thanh Đàm, một địa danh gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Được biết, vài năm tới, nửa phần còn lại của của huyện Thanh Trì cũng trở thành nội đô. Rút kinh nghiệm chuyện đã qua, khi thành lập quận mới kính mong thành phố giữ tên gọi Thanh Trì, tên gọi đã có 448 năm nay. 
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đặt tên đường phố Hà Nội: Còn nhiều bất hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO