Thế giới điện ảnh

“Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội

Lê Vân 28/03/2024 08:08

Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.

33735630744753025-jwyfucbwxg3eph97bm5ret1q65xhmyy.jpg

Không phải là một đề tài mới, bối cảnh chính của phim là chiến lũy thành Hà Nội những giờ phút cuối cùng trước khi người dân và quân Việt Minh rời Hà Nội lên Việt Bắc. Một bộ phim về chiến tranh, không những khắc họa được hình ảnh Hà Nội oanh liệt trong kháng chiến mà ở đó từng con người Hà Nội hiện lên đầy khí chất, can trường, anh dũng nhưng rất đỗi hào hoa thanh lịch với tình yêu trọn vẹn dành cho Thủ đô. Cốt cách con người Hà Nội đã làm nên linh hồn và sự cuốn hút cho bộ phim.

Trước “Đào, phở và piano”, Phi Tiến Sơn cũng đã có nhiều bộ phim làm về Hà Nội. Có thể kể tới: “Em bé Hà Nội” (1974), “Sao Tháng Tám” (1976), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1981), “Điện Biên Phủ” (1992), “Mùa ổi” (2000), “Hà Nội 12 ngày đêm” (2002), “Hà Nội - Hà Nội” (2006), “Hoa nhài” (2022)… Với “Đào, phở và piano” người xem có thể cảm nhận được không khí chiến tranh và cả tinh thần của những người dân Hà Nội khi ấy. Một mặt trận khốc liệt, xót xa, đổ nát, sự sống, cái chết trong gang tấc... nhưng bên trong những đau thương ấy là một tình yêu trọn vẹn. Mỗi người vì lí do khác nhau nán lại nội thành không rời đi, để được sống và được chết nơi mảnh đất họ yêu thương.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn đồng thời là tác giả kịch bản đã rất kì công cho bộ phim này. Ông lựa chọn kể câu chuyện không theo cách thông thường, mà qua những con người nhỏ bé như chàng trai tự vệ thành Hà Nội, cô thiếu nữ xinh đẹp chơi dương cầm, vị hoạ sĩ già phóng khoáng, vị linh mục điềm tĩnh, cậu bé đánh giày, ông phán, vợ chồng người bán phở... để thấy được điều đã tạo nên sức mạnh của dân tộc, đó là những nét văn hóa đẹp đẽ đậm chất Hà Nội. Hình ảnh hoa đào, phở và tiếng đàn dương cầm du dương trên những căn gác nhỏ là linh hồn của Hà Nội.

Câu chuyện được kể vừa hào hùng vừa lãng mạn bởi sự dũng cảm của những chàng trai tự vệ thành, sự chân thật chất phác của vợ chồng người bán phở, sự lãng mạn của vị họa sĩ già lấy máu tô cờ Tổ quốc cho bức tranh cuối cùng. Và nữa, đó là tiếng dương cầm của cô gái làm rạng ngời khuôn mặt những chàng tự vệ, là một góc phố Yên Ninh trước khi bị đánh phá trong hồi ức của cậu bé đánh giày, là những cánh hoa đào vương trên đống đổ nát, là tiếng ca trù du dương...

Theo chân anh tự vệ thành cùng cô gái, người xem đã được gặp và cảm nhận về sự khốc liệt của chiến tranh, sự can trường của những con người Hà Nội. Cả Hà Nội thành chiến lũy. Trên đường ra xưởng vũ khí ở ngoại thành, chàng tự vệ và cậu bé đánh giày băng qua những ngôi nhà, họ len lỏi trong lòng Hà Nội. Chàng tự vệ thành quyết mang theo một cành đào để có chút Tết, chút sắc xuân vào chiến lũy cho anh em đỡ buồn. Để bảo vệ những bông hoa, cậu bé đánh giày đã đưa chàng trai lọt vào khu nhà của ông phán và được ông giúp băng qua những bốt gác của lính Tây trở lại chiến lũy. Trong lòng Hà Nội gắn quện vào nhau, kết nối với nhau sâu thẳm. Dù bên ngoài là chiến trận thì bên trong một dòng mạch thông suốt vẫn đang chảy. Đó là tình yêu giữa con người với nhau.

Mỗi nhân vật được “khắc họa” trong phim là một phần của Hà Nội. Cô gái chơi dương cầm quay về nhà, gặp lại ông hoạ sĩ già đang vẽ lá cờ đắp cho những chiến sĩ đã hi sinh. Giữa ngổn ngang đổ nát, âm nhạc đã giúp xoa dịu tất cả bộn bề, hoang mang giữa cuộc chiến. Vợ chồng người bán phở cứ lấn bấn tiếc gạo tiếc xương lại nấu nồi phở, chờ cậu bé đánh giày mang hành về để chiêu đãi một bát. Cậu bé đánh giày mất cả gia đình trong trận bom trên phố Yên Ninh đã không còn một mình, cả Hà Nội bao bọc bảo vệ anh chàng nhỏ bé dũng cảm với ước mơ đội chiếc mũ ca nô. Ông hoạ sĩ và vị linh mục cùng tổ chức cho đôi trẻ một đám cưới trong đêm và phòng tân hôn trong toa tàu cũ... Họ là những con người cuối cùng ở lại Hà Nội và đã hy sinh dưới họng súng của quân thù nhưng tinh thần họ để lại chính và cốt cách, con người Hà Nội yêu nước, yêu mảnh đất của mình.

anh-1fgntf.jpg
Một cảnh trong phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn thực sự đã rất trau chuốt trong từng bối cảnh quay. Từ bối cảnh chiến lũy với toa tàu hỏng sau đó trở thành phòng tân hôn của đôi trẻ đến bối cảnh ngôi nhà của cô gái giữa đổ nát chỉ còn lại cây đàn và cây thánh giá đan xen với những hồi ức êm đềm bên cây dương cầm, ngôi nhà chật của vợ chồng ông bán phở với ngổn ngang những đồ dùng nhà bếp; hay sự đối lập hoàn toàn với khung cảnh đổ nát ấy là nhà ông phán, một người Tây học được Pháp quốc bảo vệ nhưng yêu ca trù đắm đuối và vẫn dấu tình yêu Hà Nội trong tim bằng một lối đi bí mật.

Đương nhiên, đâu đó vẫn còn những chi tiết chưa thỏa đáng, nhưng điều lớn lao nhất mà bộ phim đem lại đó là một tinh thần hướng về lịch sử, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cốt cách con người Hà Nội. Bộ phim không kể câu chuyện của riêng ai mà là câu chuyện của Hà Nội, của con người Hà Nội, của tâm hồn Hà Nội. Có lẽ cũng chính vì vậy mà tất cả những ai đã xem bộ phim đều cảm nhận được tình yêu đó và yêu bộ phim./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO