Đời sống văn hóa

Dâng hương kỷ niệm Đức Thuỷ tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước Việt Nam

Việt Thương 25/02/2024 19:23

Việc dâng hương tưởng niệm Kinh Dương Vương vào dịp giỗ Đức Thủy tổ thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con Lạc - cháu Hồng đối với tiên tổ, đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi.

8jjjshqi.png
Nghi thức rước từ Đền ra Lăng Kinh Dương Vương theo nghi lễ truyền thống. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngày 25/2, UBND thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành), kỷ niệm 4.903 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.

Trong không gian thành kính, linh liêng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các lãnh đạo tỉnh, nhân dân địa phương và du khách thập phương thành kính dâng hương, hoa lễ vật, để tri ân công đức của vị Vua Thủy tổ nước Nam.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương nhấn mạnh đây là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ và tri ân Đức Thủy tổ Việt Nam đã có công khai thiên, lập quốc. Đồng thời kính báo với tổ tiên về những thành quả mà các thế hệ con Lạc, cháu Hồng đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian lao, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Việc dâng hương tưởng niệm Kinh Dương Vương vào dịp giỗ Đức Thủy tổ thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con Lạc-cháu Hồng đối với tiên tổ, đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi.

Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ, vào năm 2.879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng.

Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thủy tổ dân tộc Việt Nam được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ Nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1.840) được trùng tu và đặt văn bia. Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện nay quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn lưu lại những dấu tích xưa với bia, mộ và hoành phi, câu đối: "Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), "Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), "Bách Việt Tổ” (Vua tổ nước Nam)…

Lễ hội Kinh Dương Vương năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 27-2 (tức ngày 16 đến 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với các hoạt động phần lễ gồm các nghi thức tế lễ truyền thống tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; phần hội tổ chức các sân khấu hát tuồng, hát quan họ, biểu diễn múa rối nước, hát trống quân, hát chèo, ca trù, các trò chơi dân gian…

Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, tuyên truyền giáo dục lớp lớp các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bên cạnh đó, tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục các thế hệ người Việt Nam nêu cao ý thức tự hào dân tộc, cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động, học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bài liên quan
  • Hình tượng rồng Việt
    Người Việt ta, ai chẳng nghĩ và tự hào mình là con Rồng, cháu Tiên. Lạc Long Quân Quốc tổ, theo nghĩa chữ là chàng (hoặc vua rồng) nòi Lạc (Việt). Đâu phải tên riêng? Các nhân vật trong truyền thuyết phần lớn là danh từ chung được riêng hóa, ví như Âu Cơ là người con gái quý tộc nòi Âu (Việt), Chử Đồng Tử là chú bé mò cá mà thôi…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dâng hương kỷ niệm Đức Thuỷ tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO