“Thân trai làm đĩ đánh bồng”
Nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì gắn liền với giai thoại Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761-802) đặt đại bản doanh tập trận đánh giặc, sáng tạo ra điệu múa bồng (còn gọi là con đĩ đánh bồng) để khích lệ tinh thần quân sĩ. Không có nữ giới, ông cho thuộc hạ giả gái, ăn vận, trang điểm và nhảy múa trong tiếng trống, tiếng thanh la hoan hỉ, vui nhộn. Điệu múa ấy sau này là “đặc sản” không thể thiếu trong nghi lễ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Triều Khúc, là nét độc đáo khiến ngày hội của làng khác biệt hoàn toàn với bất cứ lễ hội nào khác trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Lớn lên trong bầu không khí thấm đượm văn hóa truyền thống, cậu bé Triệu Đình Hồng mới 7 tuổi đã theo các bậc cha chú học múa bồng, gìn giữ gia bảo quê hương. Ông kể, ngay cả trong những năm tháng giặc giã, điều kiện thiếu thốn, cơ cực, điệu múa bồng của làng, dù không thể tổ chức linh đình, vẫn không mấy khi bị gián đoạn. “Người làng Triều Khúc tin tưởng, nếp làng là truyền thống, là gốc rễ, không thể để mai một. Mất đi, thế hệ sau biết nương tựa vào đâu để tìm về?”, ông Triệu Đình Hồng chia sẻ.
Cũng bởi thấm thía tư tưởng ấy, hàng chục năm qua, ông Triệu Đình Hồng đau đáu với niềm yêu di sản, lo lắng điệu múa cổ của làng bị thất truyền. Ngoài lúc lo việc mưu sinh, ông cất công vận động, thuyết phục người làng tham gia học múa bồng để gây dựng, tiếp nối phong trào, nhưng như ông thừa nhận, lớp người hưởng ứng chỉ “được chăng hay chớ”.
“Triều Khúc là làng bách nghệ, tối ngày bận rộn với sản xuất, kinh doanh nên thanh niên trong làng không mấy thiết tha với việc “đánh trống múa rối”, ông Hồng lý giải: “Phần nữa, bản chất của điệu múa là trai giả gái, phải mang váy, đánh phấn thoa son, bắt chước điệu bộ của người nữ nên nam giới thường e ngại, xấu hổ. Nhiều người bị tôi tìm nhiều, lại ngại từ chối nên cứ thấy mặt là tránh”.
Chính vì vậy, có thời gian ở làng Triều Khúc chỉ có mình ông Triệu Đình Hồng cầm giữ di sản, trực tiếp biểu diễn phục vụ hội làng. Ấy là khoảng thời gian những năm 1975-1980. Hiện tượng này thậm chí làm nên giai thoại không ít bùi ngùi gắn với tên người giữ di sản của Triều Khúc: “Thân trai làm đĩ đánh bồng, làng mình còn mỗi tay Hồng ấy thôi”.
Và tâm nguyện người “giữ lửa”
Thế nhưng, ngay cả trong những năm tháng khó khăn là thế, chưa bao giờ, ông Triệu Đình Hồng nguội tắt niềm hy vọng tiếp lửa, trao truyền di sản. Một mặt ông kiên trì thuyết phục lớp trẻ tham gia, một mặt ông dành dụm kinh phí sắm sửa trang phục, đạo cụ…, kiến nghị với chính quyền địa phương đồng thời vận động các nhà hảo tâm tiếp sức nuôi di sản. Cứ thế, từ một cặp múa bồng đầu tiên, ông Hồng có thêm lớp học trò khác, để rồi dần dần thành Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc như hiện giờ. Bùi Văn Hảo, thành viên Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc cho biết: "Ông Hồng lúc nào cũng bền bỉ, nhiệt huyết với nghề, tranh thủ từng giờ, từng phút, thậm chí đến tận nhà từng người để truyền dạy. Cảm phục trước tình cảm, trách nhiệm của ông dành cho di sản quê hương, chúng tôi, từ việc học múa vì ý thức bảo tồn di sản, đã ngày càng thêm yêu thích, trân trọng vốn quý cha ông để lại".
Nói về điệu múa bồng cổ truyền và công gìn giữ, trao truyền di sản của ông Triệu Đình Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết: Một trong những đặc điểm nổi trội nhất của hội làng Triều Khúc chính là điệu múa bồng có tuổi đời hơn nghìn năm. Ngoài giá trị lịch sử quý báu, phong cách biểu diễn dân dã, khoáng đạt, đầy truyền cảm cũng là nét độc đáo không thể pha lẫn của điệu múa, góp phần mang đến không khí tươi vui, đầy sức sống cho lễ hội. “Múa bồng làng Triều Khúc hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không bị đưa vào các yếu tố mới, chính vì thế đây thực sự là gia bảo của làng và người gìn giữ, trao truyền gia bảo ấy, ông Triệu Đình Hồng, thực sự có công rất lớn”, ông Trần Quốc Chiêm khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Duy Huệ, người làng Triều Khúc, trên con đường gìn giữ di sản quê hương, người ta không chỉ nể phục ông Triệu Đình Hồng về tâm huyết, mà cả về tầm nhìn trong công tác bảo tồn. Ông Triệu Đình Hồng không chỉ miệt mài vận động, tập luyện cho lớp thanh niên mà còn thuyết phục các nhà trường ở địa phương cho phép đưa điệu múa vào dạy ngoại khóa, ươm mầm thế hệ tương lai. Nhờ vậy, đội múa luôn có lớp kế cận ổn định.
Chính ông Triệu Đình Hồng cũng chia sẻ, sau hơn 50 năm theo đuổi việc gìn giữ, trao truyền di sản, điều khiến ông hài lòng nhất hiện giờ chính là bao công sức bỏ ra đã cho thấy thành quả. “Sức sống của di sản đã hiển hiện qua việc câu lạc bộ hoạt động đều đặn với đội ngũ chuyên nghiệp, nhiều lớp kế cận. Khi biểu diễn, các thành viên nhập tâm, có phong thái tự tin, biểu cảm kiêu hãnh, được công chúng và du khách khen ngợi. Chúng tôi được biểu diễn phục vụ hội làng, đại diện cho quê hương trình diễn tại nhiều sự kiện tôn vinh, quảng bá di sản của đất Thăng Long - Hà Nội, giao lưu trình diễn với nhiều tỉnh trong cả nước. Đây là niềm vinh hạnh để chúng tôi thêm quyết tâm, giữ lửa yêu nghề ở quê hương”, ông Triệu Đình Hồng nói.
Kể từ những ngày đầu chập chững học nghề từ lớp cha ông, cho đến nay có hàng chục năm “đứng lớp” truyền dạy di sản múa bồng, ông Triệu Đình Hồng đã trở thành cái tên quen thuộc với người dân Triều Khúc. Từ một di sản có nguy cơ thất truyền, múa bồng đã được ghi danh là một trong những điệu múa cổ hay nhất, nổi tiếng nhất của đất Thăng Long văn hiến. Lễ hội làng Triều Khúc cũng luôn thu hút đông đảo du khách gần xa nhờ di sản ấy. Từ những đóng góp đó, năm 2018, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Triệu Đình Tâm đánh giá: "Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghệ nhân Triệu Đình Hồng vẫn vẹn nguyên đam mê thuở nào. Ông vẫn say mê với điệu múa, nhiệt tình giảng dạy cho lớp trẻ, và luôn tự hào mỗi khi ai đó hỏi về điệu múa cổ. Nhờ những người như ông, di sản của cha ông mới được gìn giữ, bảo tồn, trao truyền nguyên vẹn và hiệu quả”.