Đại học Huế trên đường phát triển thành Đại học Quốc gia
Sau khi tổ chức lại vào năm 1994, Đại học Huế trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay đang triển khai thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế được thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ. Đại học Huế là 1 trong 3 đại học vùng trong cả nước và là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay, Đại học Huế có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 Giáo sư và Phó Giáo sư, 807 Tiến sĩ, 1.526 Thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài.
Trải qua 70 năm, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân, gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Riêng giai đoạn 2018 - 2024, Đại học Huế đã đào tạo và cung cấp cho xã hội một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao gồm 45.227 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư, khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 200 tiến sĩ và gần 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II. Năm 2024, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 58 ngành đào tạo tiến sĩ, 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II, 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo năm 2024 đạt 54.175 sinh viên, 4.148 học viên cao học, 602 nghiên cứu sinh.
PGS.TS. Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, trong những năm qua Đại học Huế đã huy động được nguồn lực tài chính tương đối đáp ứng nhu cầu cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển hệ thống cơ sở vật chất khang trang và hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của cán bộ và sinh viên. Đặc biệt, trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo ngành nghề phục vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Cũng theo Giám đốc Đại học Huế, hiện nay Đại học Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới. Thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các trường đại học nước ngoài.
Hiện nay, Đại học Huế vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên trình độ cao, thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình thông tin, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/12/2019 là phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Nghị quyết 54-NQ/TW đã nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng các kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.