Chính sách & Quản lý

Công khai, minh bạch các khoản công đức cho di tích và hoạt động lễ hội

Phạm Quỳnh 08:28 10/08/2024

Trong Công điện hỏa tốc số 77/CĐ-Ttg ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.

Theo nội dung Công điện số 77/CĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian qua, triển khai các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã đạt được một số kết quả nhất định.

cong-duc.jpg
Việc kiểm đếm, ghi chép tiền công đức được thực hiện công khai, minh bạch tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô (TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Vân Trường.

Hầu hết các địa phương đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương. Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích đã được sử dụng công khai, minh bạch, không những cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách, mà còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng...

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Còn một số cơ sở di tích lịch sử - văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ. Vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp...

Trước tình hình trên, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 tại văn bản số 174/BC-BTC ngày 26/6/2024, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo quy định để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.

yen-tu.jpg
Người dân xếp hàng ghi công đức tại chùa Hoa Yên, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành Quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tinh, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân; góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trọng công tác quản lý tiền công đức, tiền tải trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong Quý IV năm 2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm./.

Bài liên quan
  • Lần đầu công bố tổng kiểm tra, quản lý tiền công đức trên toàn quốc
    Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc năm 2023. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023, cả nước thu 4.100 tỉ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Công khai, minh bạch các khoản công đức cho di tích và hoạt động lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO