Âm nhạc

Còn ai say trong câu hát

Nhà văn Nguyễn Trương Qúy 07:30 21/10/2024

Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp kết thúc bằng cuộc tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954, song âm hưởng của ngày trở về đã hiện diện trong ca khúc từ trước đó. Nhiều người thuộc bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao với những câu hát đã thành một biểu tượng cho cuộc trở về: “lớp lớp đoàn quân tiến về, chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”… Hô ứng với bài hát nổi tiếng ra đời năm 1949 này, có nhiều cung bậc tương đồng cũng được các nhạc sĩ viết nên.

image.jpg
Hồ Hoàn Kiếm năm 1946

Nỗi khắc khoải hẹn ngày về

Ngay sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tiếng hát người Hà Nội đã khắc khoải với ngày về trong những trường ca đẫm chất sử thi: “Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi) và “Thu ngày mai, thu thanh bình, đời đời sẽ hết điêu linh” (Ba Đình nắng - Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch).

thu-do-vui-don-cac-anh.jpg

Năm 1948, nhạc sĩ trẻ 22 tuổi Huy Du đã hình dung một cuộc trở về, đúng hơn là một lời thề nguyền: “Năm cửa ô reo bước quân ca vang. Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây lại chốn xưa”. Giai đoạn này, những bài ca như “Ngày về” (Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu) hay “Đêm trăng nhớ Hà Nội” (Nguyễn Đức Toàn) đều nói tới một ngày trở lại khải hoàn với những sắc thái khác nhau, mà một thế hệ vẫn chiêm nghiệm những suy tư về mất mát: “Bao má răn reo lệ cuốn tơi bời, chờ chồng mong con ngày về chiến thắng, trong toán quân về đếm thiếu những ai?” (Tô Hải - Trở lại đô thành).

Thập niên 1950 chứng kiến cuộc kháng chiến đi đến cán cân thắng lợi nghiêng về Việt Minh. Hà Nội là điểm hẹn trở nên rõ nét hơn. Một nét lãng mạn hoài niệm của người đô thị như “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương: “Một ngày tàn hương chinh chiến, lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến! Một ngày hồng tươi hoa lá, hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha”. Trong lòng Hà Nội tạm chiếm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sau những ca khúc lãng mạn như “Dạ khúc”, “Chiều cô thôn”, “Nhớ trăng huyền xưa”,… đã viết bài hát “Hà Nội giải phóng” với bút danh Đỗ Quyên. “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn, ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối…”.

ha-noi-giai-phong.jpg

Cuộc trở về gần như tái hiện những gì các nhạc sĩ đã mường tượng trước đó, với “trùng trùng quân đi như sóng” và nỗi khát khao xây dựng kiến thiết: “Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu. Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay, những xuân đời mỉm cười vui hát lên” (Tiến về Hà Nội).

bac-da-ve-thu-do.jpg

Một trong những lý do khiến hình ảnh ngày trở về được đinh ninh chắc chắn và mang tính phổ quát là những người kháng chiến đã chia sẻ một cảm thức biện chứng kiểu Mác-xít pha trộn một niềm tin mạnh mẽ về tính chính danh của cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập. Ngay cả những người ở lại trong vùng tạm chiếm cũng có những sự hưởng ứng dù là ngầm. Ví dụ chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Hà Nội giai đoạn 1948 - 1952, một thiết chế của chính quyền Quốc gia Việt Nam do Pháp kiểm soát, vẫn phát một số bài hát chủ đề kháng chiến của các nhạc sĩ đã lên chiến khu. Chẳng hạn Đài Phát thanh Hà Nội đã từng phát bài “Người Hà Nội” qua giọng ca Đoàn Minh trong buổi phát thanh ngày 4/3/1950.

Bồi đắp ký ức tập thể

Sự kiện tiếp quản Thủ đô là một hệ quả đương nhiên của những sự kiện đình đám trước đó như chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Genève. Ngay trong những ngày dư âm chiến thắng còn đậm nét trên truyền thông và báo chí, những bài ca có nét rộn rã, tưng bừng, thiên về những bài hát cho hợp ca, từ “Bác đã về Thủ đô” (Lê Yên), “Quanh quanh Bờ Hồ” (Nguyễn Xuân Khoát), “Ba Đình lịch sử” (Doãn Nho) đến “Quê tôi giải phóng” (Văn Chung): “Hòa bình thành phố yên vui đón anh bộ đội, a là hô hoan hô. Rợp trời cờ đỏ, a là hô hoan hô, rợp trời cờ đỏ tung bay”.

Khi thời điểm đã lùi xa, cảm thức về ngày 10/10/1954 dần lắng lại trong những giai điệu nhiều nét trữ tình hơn, chẳng hạn “Chiều Hồ Gươm” (Trần Thụ), “Chiều Hồ Tây” (Hồ Bắc) và đi tới gắn với đấu tranh thống nhất nước nhà như “Gửi người em gái miền Nam” (Đoàn Chuẩn – Từ Linh, 1956): “Em Tháp Rùa yêu dấu! Còn đó trơ trơ, lớp người đổi mới khác xưa. Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều, ca tình yêu!”. Nét “đổi mới khác xưa” là một thông điệp khá mạnh mẽ, so với những âm hưởng lãng mạn của những bài hát trữ tình của cùng tác giả trước đó.

Ngày trở về có khi gợi nhắc lại qua những bài ca công bố nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vào năm 1964, như “Sông Hồng ngàn năm reo hát” (tổ khúc Hồng Đăng, lời Dương Viết Á, 1964), “Lớn lên với Thủ đô” (Thịnh Trường, 1964) và nhất là “Hà Nội của ta” (Vĩnh Cát) nêu đậm những đổi thay sau 10 năm: “Hà Nội chuyện xưa rồng bay sáng chói, Hà Nội ngày nay bừng lên sức sống. Đây đó vang lừng, trên khắp nơi công trường tưng bừng, mười năm qua ôi rạng rỡ Thủ đô ta”.

tien-ve-ha-noi.jpg

Cuộc chiến đấu chống sự oanh tạc của không quân Mỹ trên bầu trời Thủ đô sau đó là một động lực để các lời ca gắn kết với ngày kỷ niệm đã qua, từ “Tiếng nói Hà Nội” (Văn An, lời Cảnh Trà, 1967) hay “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh, 1967): “Ta nghe tiếng ca, tiếng ông cha ta xưa còn đó, giữ lấy Tổ quốc dù máu xương rơi xuống, giữ lấy Thủ đô mà năm tháng xây nên”. 20 năm sau ngày tiếp quản Thủ đô là một thời điểm Hà Nội trở lại nhịp sống bình thường sau cuộc không kích 12 ngày đêm của Mỹ cuối năm 1972 và hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973. Sự nhắc lại ngày trở về dường như ung dung hơn sau những lồng lộng sử thi “dệt nên tiếng ca, át tiếng bom rền” (Hà Nội niềm tin và hy vọng – Phan Nhân, 1972). Hồi ức Hà Nội giải phóng hiện diện đi vào chi tiết của cảm xúc con người: “Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy, nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường. Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt, xốn xang mẹ thầm gọi các con. Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ, nghe niềm vui ấm cả tâm hồn” (Cảm xúc tháng mười - Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên, 1974).

Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc kiến thiết đất nước và Thủ đô trong giai đoạn “dặm dài trong gian khó” (Hà Nội mùa thu - Vũ Thanh, 1981) tạo ra một cảm hứng lớn cho những bài hát nhắc lại cuộc trở về của quá khứ, đặc biệt nở rộ trong thời điểm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày trở về năm 1954 dĩ nhiên luôn hiện diện trong một chuỗi biện chứng về tiến trình cách mạng, tạo ra một mẫu thức có phần trùng lặp ở nhiều bài ca, song cũng cho thấy một nỗ lực sáng tạo của các nhạc sĩ. “Hà Nội những ngày tháng mười” (Tân Huyền), “Trong công viên Lê Nin tháng mười” (Nguyễn Cường) là những gợi ý nhắc nhở về một “mùa thu giải phóng”: “Mùa thu ơi... Chúng tôi sinh ra và lớn lên từ mùa thu giải phóng. Trang sách tuổi thơ, ngày đầu tiên làm thợ, trời xanh như ước mơ” (Đêm thu ca ba – Nguyễn Cường) và “Hà Nội xanh trên đôi cánh mùa thu, từ Điện Biên đoàn quân chiến thắng, trở về giải phóng Thủ đô mến yêu” (Hà Nội nhớ - Tô Lan Phương). Ra đời cũng dịp 30 năm giải phóng Thủ đô song được biết đến muộn hơn là “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” (Đoàn Bổng) và cũng đứng lại được vì thông điệp giản dị nhưng khá đậm nét: “Kỷ niệm ấy trong tôi không bao giờ phai mờ, và từ đó trong tôi sáng lên như màu cờ. Hình đoàn quân năm xưa nay vào muôn ý thơ, để chiều Hồ Tây anh bên em đi vào trong giấc mơ”.

Cuối thế kỷ 20, một vài bài hát nhắc lại chủ đề giải phóng Thủ đô như “Có một mùa thu Hà Nội” (Phạm Tuyên, thơ Lê Hiếu Trung, 1998), khi những nhân chứng của sự kiện vẫn còn hoạt động trong bầu không khí âm nhạc đương đại. Thời gian lùi xa, những bài hát về Hà Nội ra đời chuyển hướng sang một cảm thức trữ tình và gắn với những nỗi niềm riêng tư hơn. Chất men say của vinh quang quá khứ nhường chỗ cho tính tự sự về các chủ đề đời sống đô thị, thân phận con người, sự hoài niệm di sản quá khứ của một đô thị nghìn năm tuổi. Nhìn lại cuộc trở về Hà Nội năm xưa qua những bài ca, người nghe nhận diện một cảm hứng sử thi hòa quyện vẻ trữ tình đã làm nên khẩu khí thời đại của mảnh đất này./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Còn ai say trong câu hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO