Lâu nay vẫn có một số thông tin phản ánh một số điều chưa tích cực đối với ngành y tế tại địa phương này hay địa phương kia. Tuy nhiên, theo tôi, đôi điều chưa tích cực ấy chỉ là số ít so với nhiều cử chỉ, việc làm thân thiện của các bác sĩ và y sĩ mà tôi đã được chứng kiến khi tới thăm người thân là bệnh nhân tại một số bệnh viện ở Hà Nội và một số bệnh viện ở các tỉnh bạn lân cận.
Tất nhiên ý tôi nói ở đây là số đông chứ không phải là tất cả. Bởi đâu đó vẫn còn có một vài việc làm của nhân viên ngành y tế chưa được người nhà bệnh nhân và bệnh nhân hài lòng. Theo tôi, chúng ta nên có cái nhìn nhân văn và thông cảm với áp lực công việc của đội ngũ y bác sĩ hiện nay. Bởi dân số cả nước tăng dần đều, điều đó kéo theo số bệnh nhân ngày một tăng, đôi khi còn đột biến. Đó là gánh nặng cho ngành y tế nước nhà nói chung và ngành y tế các cơ sở cấp tỉnh nói riêng. Nhất là các bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội. Những năm gần đây, đất nước phát triển thật đáng mừng về giao thông và phương tiện nên các bệnh viện Trung ương càng trở nên quá tải. Mà đã quá tải thì làm sao giảm được áp lực công việc với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ cùng với lực lượng điều dưỡng viên ở các bệnh viện.
Đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội luôn nhiệt tình chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân.
Ở bài viết này tôi chỉ muốn ghi lại cảm nhận của tôi về những điều mắt thấy tai nghe trong hơn hai tuần có mặt ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để chăm nuôi người thân. Đi từ 5 giờ sáng, chúng tôi tới bộ phận xếp hàng khám bệnh đã nhận số 142. Còn những người đến sau không sao mà biết được. Dẫu chưa đến giờ làm việc, bộ phận bảo vệ vẫn tích cực và vui vẻ hướng dẫn bà con đặt sổ xếp hàng rất trật tự, các anh chị hướng dẫn mọi người ngồi chờ theo hàng ở các ghế được kê đặt thành lối thật gọn gàng cùng những chậu cây xanh trông thật hài hòa.
Đến giờ làm việc, tiếng loa gọi theo thứ tự qua cửa từ số 1 đến cửa số 5. Tôi theo chân người nhà đến từng phòng có đánh số để đợi khám. Mọi người ngồi trật tự. Mỗi khi biển số nhảy số báo, nữ y tá lại mở cửa với câu nói thật lễ phép và thân thiện: “Cháu mời bác Nguyễn Văn A vào ạ”. Chỉ câu nói ấy thôi tôi đã thấy ấm lòng...
Tới phòng khám nào tôi cũng thấy và nghe được những câu giao tiếp văn minh ấy. Bệnh nhân ở diện nằm viện để điều trị nội trú được tư vấn vào hai khu điều trị bệnh gồm khu nhà A và khu nhà H một cách rất chu đáo tỉ mỉ và rõ ràng của một nữ nhân viên. Tùy theo điều kiện kinh tế và người nhà chăm sóc, một số người yêu cầu về khu A và một số người về khu H. Tôi biết bệnh nhân đã đến đây thì mối lo và sự suy sụp trong tư tưởng rất lớn, kể cả người thân của tôi cũng vậy. Nhưng đến phòng nào tôi cũng nghe được lời động viên của các bác sĩ ở mỗi phòng khám khiến bệnh nhân khi ra khỏi phòng đều vững tin hơn.
Người đầu tiên tôi được tiếp xúc là nữ y tá có giọng nói rất nhẹ nhàng và nét mặt tươi với câu nói: “Mời các bác đi cùng với cháu ạ”. Đến tầng số 5, nữ y tá gọi tên và chỉ dẫn từng người vào phòng rất chu đáo rồi mới chuyển sang phòng bên cho người khác. Đến mỗi phòng nữ y tá đều hướng dẫn cách sử dụng bàn và tủ cá nhân nên ai đó khi nhập phòng đều không bị bỡ ngỡ.
Người nhà và người thân của bệnh nhân chỉ được thăm bệnh nhân theo giờ đã quy định được ghi rõ trên bảng hướng dẫn và ở trước cánh cửa cầu thang. Còn công việc chăm sóc và điều trị đã có đội ngũ điều dưỡng chăm sóc rất chu đáo. Cuối giờ chiều, tôi vào thăm người nhà và có hỏi qua cách thức phục vụ ở đây, cả hai ông nằm giường bên cạnh đều rất vui và khen ngợi sự phục vụ của bệnh viện. Một bác nằm giường bên cạnh của người nhà tôi phấn khởi nói: “Các anh các chị đến khám bệnh đều thăm hỏi cẩn thận, tận tình và vui vẻ lắm. Đội ngũ đi tiêm và phát thuốc cũng vậy, các anh các chị thường xuyên hỏi đêm qua bác có ngủ được không. Các chị ấy tiêm không đau một chút nào, thật có nghề. Chẳng bù ở quê cứ thấy sắp tiêm là tôi sợ”.
Tôi không vui sao được khi thấy các bác sĩ, y sĩ và đội ngũ điều dưỡng viên vào tới phòng nào cũng đều nở nụ cười với bệnh nhân như chính với người thân của mình như bác sĩ Nguyễn Hoàng Dương và bác sĩ Phùng Ngọc Nam. Còn các phòng khác, gặp bác bệnh nhân ra ngoài hè ngồi hóng mát, tôi biết bác ấy đã ở đây chờ kết quả chẩn đoán xác định mấy ngày, nay vào điều trị hơn nửa tháng nhưng bác rất hài lòng và an tâm khi được nằm điều trị ở đây. Sang thăm khu A tôi được trò chuyện với mấy bệnh nhân đang đứng nói chuyện ở ngoài hành lang. Các bệnh nhân này cũng đều có chung cảm nhận: Đó là sự thận trọng, cố gắng khẩn trương trong công việc và sự nhã nhặn trong giao tiếp của các phòng khám, của bác sĩ điều trị và lực lượng điều dưỡng viên ở nơi đây.
Có thể thấy, văn hóa ứng xử của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội luôn lịch sự, văn minh, thân thiện đem đến cho bệnh nhân sự an tâm khi được chữa trị tại đây. Thiết nghĩ, để xây dựng tốt văn hóa ứng xử này, chắc chắn rằng đội ngũ lãnh đạo bệnh viện cũng như các khoa, phòng phải luôn có những chỉ đạo sát sao, kịp thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các y, bác sĩ cũng như cán bộ nhân viên khi không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn phải ứng xử lịch sự với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tôi mong rằng, văn hóa ứng xử văn minh này của các y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sẽ tiếp tục lan tỏa đến nhiều bệnh viện khác ở Hà Nội cũng như cả nước để góp phần xây dựng hình ảnh ngành y ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, là chỗ dựa tin cậy cho mỗi người bệnh.