Theo đó, đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại một số địa phương.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư, qua đó, giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh, trật tự địa phương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì; chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND cấp huyện tiếp tục nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn; tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư...
Chủ đầu tư phải thực hiện quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định. Nghiêm cấm có các hành vi: Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư...
Ban quản trị quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, công khai, minh bạch; báo cáo hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí bảo trì theo quy định.