Mừng, lo, trông chờ từ quy hoạch
Theo định hướng tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ gồm: Khu dân cư Chu Phan - Tráng Việt (huyện Mê Linh); Tàm Xá - Xuân Canh (huyện Đông Anh); Nhật Tân - Tứ Liên (quận Tây Hồ); Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 (quận Hoàng Mai); Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng cũng sẽ được tồn tại, bảo vệ.
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng, tất cả các khu dân cư giữ lại sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, bổ sung và nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh…
Nội dung này của bản quy hoạch có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân nhiều năm nay. Ông Lê Kế Quang (45 tuổi), sống tại khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) chia sẻ, khu dân cư đã tồn tại ổn định nhiều năm. Nay khi đã được khẳng định không phải di dời, người dân vui mừng, yên tâm làm ăn sinh sống.
Tuy nhiên, cùng với việc xác định các khu dân cư được tồn tại, quy hoạch cũng đưa ra định hướng một số khu dân cư ở khu vực lòng sông hẹp, tốc độ dòng chảy cao, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn sẽ từng bước di dời theo quy định, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ. Theo đó, các khu dân cư ở một số quận, huyện: Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm như Võng La - Hải Bối, Bát Tràng, Bắc Cầu, Bồ Đề, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh và một số khu dân cư khác có số hộ dân thuộc diện phải di dời sẽ quản lý theo đúng quy định.
Ông Đào Khắc Thóc (84 tuổi, tổ 38, khu dân cư Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu là 757 hộ. Tuy nhiên, trên thực tế nơi đây hiện có 4 tổ dân phố với 2.300 hộ dân sinh sống ổn định từ nhiều đời nay. Để tạo được sự đồng thuận với chủ trương của Nhà nước rất mong chính quyền các cấp sớm cụ thể hóa mọi thông tin để người dân nắm rõ; người dân phải nhận được chính sách đền bù, tái định cư hợp lý để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Trách nhiệm lớn từ chính quyền địa phương
Quận Hoàng Mai có hơn 900ha thuộc địa bàn 4 phường: Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh thông tin, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu dân cư ngoài bãi của quận Hoàng Mai được tồn tại, dành quỹ đất 5% phát triển. Đây là cơ hội lớn để địa phương đầu tư xây dựng, ổn định đời sống người dân, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.
Còn đối với huyện sắp thành quận như Thanh Trì, phân khu đô thị sông Hồng đi qua địa bàn huyện có diện tích khoảng hơn 1.135ha, với hơn 8.000 hộ dân sống ngoài đê chủ yếu thuộc các xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc. Đây cũng là khu vực không phải di dời dân cư và được dành quỹ đất phát triển mới. Căn cứ vào quy hoạch được duyệt huyện sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển các tuyến đường giao thông, không gian xanh công cộng...
Về những vấn đề người dân kiến nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và các cơ quan chuyên môn đang sớm hoàn thiện hồ sơ bản vẽ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để bàn giao cho các quận, huyện. Trên cơ sở đó, các địa phương mới có thể lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với những khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định...
Trong thời gian chờ được xác nhận hồ sơ bản vẽ, nhiệm vụ của chính quyền các địa phương là tiếp tục rà soát, giữ nguyên hiện trạng số dân cư hiện có, không để phát sinh về diện tích đất ở ngoài quy hoạch; cải tạo, chỉnh trang trong phạm vi cho phép.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đoạn sông Hồng đi qua quận Hoàn Kiếm dài 4,2km, thuộc 2 phường Chương Dương và Phúc Tân. Khu vực dân cư ở đây được hình thành từ những năm 1960 trở lại đây với chất lượng nhà ở thấp, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh... Hiện, hai phường đang tăng cường công tác vệ sinh môi trường khu vực lòng sông, bảo đảm cảnh quan...
Rõ ràng, những vấn đề trong thực tế thời gian qua càng cho thấy sự cần thiết việc cụ thể hóa đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để đáp ứng nhu cầu người dân, sự phát triển của Thủ đô và tránh những hệ lụy không đáng.