Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội tuần từ 8 đến 12-4

TP/HNM| 14/04/2019 20:18

Ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt các thủ tục đầu tư 3 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2019; đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng ống cấp nước tới các địa phương và sớm cấp nước cho từng hộ dân... là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội tuần từ ngày 8 đến 12-4-2019.

Ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019

Để chủ động ứng phó với diễn biến thay đổi khí hậu, Chủ tịch UBND thành phố đã ký phê duyệt Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10-4-2019 chỉ đạo các cấp, ngành thành phố xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 cụ thể, sát thực tế của địa phương; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là mưa lớn, lốc xoáy, bão mạnh, siêu bão có thể gây ra ngập úng, đổ cây, nhất là cây to, cây cổ thụ trong khu vực nội thành. 

Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai kịp thời, phát hiện các hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình theo phân cấp. Rà soát, tổng hợp những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, trong đó có các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức cần đặc biệt lưu ý lũ rừng ngang, chủ động di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp đến nơi an toàn.

Ủy quyền phê duyệt thủ tục đầu tư 3 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại Sóc Sơn

Ngày 9-4-2019, Chủ tịch UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1723/QĐ-UBND ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt các thủ tục đầu tư 3 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu LHXLCT Sóc Sơn) đã được HĐND thành phố phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 5-12-2018. 

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn: 

Chủ trì tổ chức thẩm định các dự án (bao gồm cả thiết kế cơ sở), thẩm định thiết kế - dự toán xây dựng công trình và tổ chức thực hiện các công việc được ủy quyền đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng, về quy trình, thủ tục thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế - dự toán xây dựng công trình và quy định pháp luật liên quan trước khi quyết định phê duyệt. 

Việc phê duyệt các dự án đầu tư phải tuân thủ đúng những nội dung đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo tối ưu về mặt kinh tế, kỹ thuật theo tất cả các nội dung dự án và hạng mục công trình trên tất cả các mặt (hình thức, quy mô, kết cấu, biện pháp thi công công trình…); phù hợp với khả năng cân đối ngân sách thành phố; đầu tư triệt để tiết kiệm, hiệu quả cao; tuyệt đối không được để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn ngân sách nhà nước. 

Các bước tiếp theo của dự án, UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm triển khai theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Hà Nội về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. 

Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cũng như trong toàn bộ quá trình quản lý, thực hiện dự án và quản lý sử dụng vốn đầu tư. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung công việc được ủy quyền; giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố

Thực hiện quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 quy định nội dung, mức hỗ trợ cụ thể đối với cây trồng, sản xuất lâm nghiệp, nuôi thủy, hải sản, gia súc, gia cầm; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.

Thực hiện 10 dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều 

Tại văn bản số 1417/UBND-KT ngày 9-4-2019, UBND thành phố chấp thuận cho thực hiện 10 dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều bị hư hỏng do các cơn bão số 3, 4 năm 2018 gây ra trên địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai bằng nguồn ngân sách thành phố (vốn sự nghiệp kinh tế); đầu tư 6 dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trạm bơm tưới, tiêu bằng nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố, bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp 19 tuyến đường giao thông, 6 công trình văn hóa, 4 trường học, xây dựng mới trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến, xây dựng mới Nhà văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, giao UBND huyện Chương Mỹ và UBND huyện Quốc Oai rà soát lại nguồn vốn, nhiệm vụ chi để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công ngân sách huyện, ưu tiên bố trí vốn thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão số 3, 4 năm 2018 gây ra. Trong trường hợp không cân đối được ngân sách huyện để thực hiện thì rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án khắc phục để đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ với số vốn hợp lý, phù hợp khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng ống cấp nước tới các địa phương 

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại buổi kiểm tra tiến độ dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, tại văn bản số 1410/UBND-ĐT ngày 9-4-2019, UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Gia Lâm và các quận, huyện nằm trong vùng quy hoạch cấp nước của dự án tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển mạng ống cấp nước tới các địa phương và sớm cấp nước cho từng hộ dân địa phương; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích (trong khuôn khổ của pháp luật) để dự án được thực hiện đúng tiến độ, đạt mục tiêu về công suất, chất lượng, vùng cấp nước và số hộ dân được cấp nước sạch; chỉ đạo các đơn vị cấp nước của thành phố tích cực và nghiêm túc phối hợp với Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch đến các hộ dân trong vùng quy hoạch cấp nước. 

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của các tỉnh có dòng sông Đuống chảy qua cùng chung tay có giải pháp cần thiết giảm thiểu các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt sông Đuống, góp phần đảm bảo sự bền vững của dự án.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2019, tại văn bản số 1460/UBND-ĐT ngày 11-4-2019, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội tăng cường bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công công, chất lượng phương tiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm, đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường tại các bến xe; đổi mới phương thức bán vé, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, ngăn chặn việc đầu cơ vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, thuận lợi cho hành khách, hạn chế hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định...; chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi khi xuất bến.

Giao Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24h để tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, như: Loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ; chạy quá tốc độ quy định; đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng chất kích thích, ma túy, nồng độ cồn vượt quá quy định; chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu, đường; chở hành khách vượt quá số người theo quy định; tránh, vượt sai quy định; đỗ, dừng sai quy định; tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trực tiếp phụ trách địa bàn về các vụ việc xảy ra.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị của ngành đường sắt, đường thủy thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các bến tàu, bến đò, cảng đường thủy trên các tuyến sông, các cầu yếu, cầu dân sinh tự phát thuộc địa bàn; kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn giao thông tại các vị trí nêu trên và phối hợp với các đơn vị quản lý để có biện pháp khắc phục; tăng cường kiểm tra tình trạng kỹ thuật, hệ thống đảm bảo an toàn của các phương tiện tham gia giao thông, kiên quyết xử lý và yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm, tuyệt đối không cho phép phương tiện lưu thông khi chưa khắc phục xong các hư hỏng theo yêu cầu kỹ thuật. Chủ trì cùng các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, các đơn vị chức năng của các tỉnh lân cận lập phương án đảm bảo việc vận hành, lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ (dự án BOT), đặc biệt là các ngày trước và sau dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2019.

Giao Sở Giao thông Vận tải triển khai có hiệu quả công tác duy tu, duy trì cầu, đường, sửa chữa kịp thời các hư hỏng để đảm bảo giao thông êm thuận, tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông; thường xuyên kiểm tra để bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu, nắp hố ga, nhất là trên các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện giao thông cao...; không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng gây nên. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, bố trí người hướng dẫn giao thông, không gây ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình. Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị thống nhất phương án đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông đối với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông cao, trong các thời gian cao điểm; tăng cường quản lý công tác đăng kiểm, kiểm tra bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của phương tiện tại các cơ sở đăng kiểm phương tiện cơ giới trên địa bàn thành phố.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị, các báo của Thủ đô tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông để người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành và có các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông; đặc biệt quan tâm phòng tránh tai nạn đắm đò, tai nạn xe mô tô, xe khách. Chú trọng tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không lái xe khi đã uống rượu bia, mặc áo phao khi đi tàu thủy, phà, đò; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật về giao thông, phê phán tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị lựa chọn những nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên, để tuyên truyền, phổ biến trong các trường học trên địa bàn thành phố. 

Đảm bảo 80% trở lên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khỏe

Với chủ đề “Chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi”, UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2019 (10-2019) chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung rà soát, nắm bắt tình hình người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi thuộc diện chính sách; vận động nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đảm bảo kinh phí ngân sách và vận động xã hội thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; phối hợp với các cơ sở y tế lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tiếp tục thực hiện Chương trình Mắt sáng cho người cao tuổi. 

Tiếp tục thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của người cao tuổi ở cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chế độ chính sách đối với người cao tuổi ở các cấp; kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hành làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đảm bảo 80% trở lên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn (là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người bị bệnh hiểm nghèo) được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và trợ giúp thông qua các hình thức khác.

Triển khai Chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2019”

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là việc xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi; đẩy mạnh tuyên truyền góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông; tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị; xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ; biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình có những đóng góp vì an toàn giao thông và trật tự, văn minh đô thị, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 9-4-2019 chỉ đạo triển khai Chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2019” (thực hiện từ tháng 4-2019 đến tháng 12-2019), theo chủ đề 2019: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi môtô, xe máy” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, bao gồm các nội dung sau: Tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trên internet dành cho các đối tượng học sinh THCS, THPT tham gia (từ tháng 8 đến tháng 11-2019); tổ chức các sự kiện truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô” (từ tháng 4 đến tháng 12-2019); vận hành chuyên trang: giaothonghanoi.kinhtedothi.vn .

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương định đô ở Cổ Loa

Ngày 10-4-2019, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương định đô ở Cổ Loa (939 - 2019) nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Ngô Quyền trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, tôn vinh tinh thần yêu nước và ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng vì hòa bình của dân tộc. Các hoạt động kỷ niệm đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hiến và anh hùng của dân tộc; giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền. 

Theo đó, Lễ dâng hương được tổ chức vào 9h ngày 20-4-2019 tại đền thờ Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây; Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương định đô ở Cổ Loa được tổ chức vào 20h ngày 20-4-2019 tại sân Lễ hội - Đình Ngự Triều Di Quy, huyện Đông Anh; Chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao diễn ra trong 2 ngày, 20 và 21-4 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. 

Công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Ngày 10-4-2019, Chủ tịch UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1753/QĐ-UBND về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC), thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố công bố kèm theo Quyết định Danh mục 26 TTHC, bãi bỏ 26 TTHC trong các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân và hoạt động khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ và quyết định một số TTHC của Chủ tịch UBND thành phố hết hiệu lực. 

Phấn đấu chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 12%

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 9-4-2019 chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020, hướng tới mục tiêu đến hết năm 2020, có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp 2 năm 2019-2020 đạt từ 9,78-10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6-9%. 

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ chính như: Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT thành phố Hà Nội; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp CNHT; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. 

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế; tạo điều kiện để các DN xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm hướng tới sản xuất - kinh doanh bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ và phân phối sản phẩm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 9-4-2019 chỉ đạo triển khai Quy chế "Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu" năm 2019. 

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (logo) hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm bằng các loại hình marketing như quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, sản phẩm phim thương hiệu, xây dựng website, truyền thông online, in ấn các sản phẩm truyền thông cho thương hiệu DN/sản phẩm, quảng cáo bảng/biển, tổ chức sự kiện.
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội tuần từ 8 đến 12-4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO