Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới chỉ dừng lại ở một số công đoạn nhất định và chưa phổ cập. Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường lý giải: Việc ứng dụng công nghệ cao chưa phổ biến bởi chi phí đầu tư lớn, trình độ chuyên môn của người chăn nuôi còn thấp. Muốn ứng dụng công nghệ cao phải tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín trong khi đó sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn bị cắt khúc. Đặc biệt, tiềm lực tài chính của các "mắt xích" trong chuỗi còn yếu, chưa có doanh nghiệp đủ tầm giúp người chăn nuôi về khoa học, công nghệ cao. Một nguyên nhân khác, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám, đó là thói quen của người tiêu dùng "tiện đâu mua đó" và tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ, xen kẽ trong khu dân cư còn phổ biến (90%)...
Bàn về hướng phát triển, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận định: Hà Nội nên đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết lớn. Cùng với đó, Hà Nội cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Tới đây, cùng với lĩnh vực khác, chăn nuôi sẽ được hoạch định với nhiều giải pháp đồng bộ để phù hợp với chăn nuôi công nghệ cao. Trước mắt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với nghiên cứu thị trường, từng bước hạn chế chăn nuôi theo phong trào, tự phát...
Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đưa công nghệ cao vào một số cơ sở quy mô lớn: 6 khu chăn nuôi gia cầm, 111 trại chăn nuôi gà, 3 cơ sở sản xuất giống gà, 3 cơ sở chế biến sản phẩm thịt gà và trứng gà, 4 khu chăn nuôi lợn, 103 trại chăn nuôi lợn, 1 khu chăn nuôi bò thịt… nhằm đưa giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 45% tổng giá trị chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách về quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác… cho các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao chủ lực trên cơ sở Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Ngoài ra, với vai trò quản lý, ngành Nông nghiệp tiếp tục làm “cầu nối” để doanh nghiệp, người chăn nuôi và cơ sở tín dụng “gặp” nhau, phát huy hiệu quả vốn trong đầu tư chăn nuôi công nghệ cao đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu phát triển thời hội nhập…