Sự kiện & Bình luận

Cảnh sát biển Việt Nam tham gia bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam 02/10/2023 11:52

Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đó là nguồn sức mạnh của cả quốc gia và chế độ; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa đối ngoại với quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, vai trò của Quân đội nhân dân là bất biến, vai trò của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là đặc biệt quan trọng.

anh-2-xd-csb-viet-nam.jpg
Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, tình hình trên các vùng biển Việt Nam được nhận định tương đối phức tạp do có sự tác động của nhiều nhân tố không ổn định. Trong khi đó, các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành hoạt động ngăn chặn, chống phá, xâm lấn với nhiều quy mô và thủ đoạn khác nhau. Trước yêu cầu của thực tiễn, Đảng ta nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm về vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại nhiều văn kiện, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là sự kế thừa và phát triển cao hơn của kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là tổng hòa các hoạt động của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, của cả hệ thống chính trị và toàn dân thông qua việc tích cực chuẩn bị mọi mặt ngay trong thời bình để xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt, nhằm ngăn ngừa, triệt tiêu các nguy cơ đe dọa độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Gắn lý luận đó với thực tiễn tình hình trên biển của nước ta hiện nay, có thể nói rằng, trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, vai trò của Quân đội nhân dân là bất biến, vai trò của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là đặc biệt quan trọng.

Khoản 1, Điều 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. So với Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998, vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam được xác định trên cơ sở kế thừa, bổ sung mới vị trí “làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển” nhằm thể chế đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Khoản 2, Điều 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định chức năng của Lực lượng là tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển; kết hợp với 7 nhóm nhiệm vụ và 10 quyền hạn quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam cấu thành cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp pháp luật hòa bình, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với nhiều khía cạnh, đồng thời xác định rõ phương hướng, phương châm chỉ đạo phù hợp với điều kiện nước ta đang hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chiến lược thể hiện một cách khoa học yếu tố thời gian và không gian để bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Đây là tiền đề triển khai tổng thể các giải pháp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, trong đó giải pháp về quốc phòng, an ninh là trọng yếu và đối ngoại quốc phòng giữ vai trò ngày càng quan trọng. Chiến lược nhấn mạnh: bảo vệ Tổ quốc được thực hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, phát huy cả nhân tố bên trong và bên ngoài, trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản, gồm:

Chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước. Nội dung này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên, để thực hiện tốt đòi hỏi quá trình tư duy lý luận kết hợp nghiên cứu thực tiễn ở trình độ cao, phạm vi không gian và thời gian rộng. Trong bối cảnh hiện nay, Quân đội nói chung, Lực lượng Cảnh sát biển nói riêng phải không ngừng triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường tiềm lực, xây dựng Lực lượng, thế trận quốc phòng vững mạnh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân…” bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Tiềm lực quốc phòng là nội dung rất quan trọng của tiềm lực quốc gia, bởi đây là cơ sở thực hiện chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nội hàm của tiềm lực quốc phòng bao gồm: tiềm lực chính trị - tinh thần; tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ; tiềm lực quân sự…

Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đó là nguồn sức mạnh của cả quốc gia và chế độ; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa đối ngoại với quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Quan điểm về sức mạnh tổng hợp quốc gia trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không xảy ra xung đột, chiến tranh để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất và sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Giai đoạn vừa qua, cấu trúc an ninh - chính trị toàn cầu có những biến đổi sâu sắc do khủng hoảng y tế, kinh tế - tài chính, xung đột Nga - Ukraina và nhiều nguyên nhân khác tạo ra sự xáo trộn trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại của các nước, nhất là đối ngoại quốc phòng, đồng thời tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, chủ trương của Đảng ta về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là thông qua hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam, từ đó góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, gia tăng sức mạnh tổng thể quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

anh-3-csb-vn-san-sang.jpg
Cảnh sát biển Việt Nam sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với đặc thù nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc. Việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam (ngày 19/11/2018) với biểu quyết nhất trí cao là minh chứng thể hiện ý chí tập trung của Đảng, Nhà nước về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế với đại diện là Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, nội dung Cảnh sát biển Việt Nam tham gia bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn Lực lượng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh nội sinh bên trong với hợp tác quốc tế bên ngoài để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, quyết định đến an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Hai là, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch từ hướng biển, nhất là các hành vi có yếu tố can thiệp của nước ngoài. Tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên mọi miền biển, đảo; kịp thời ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trên biển, cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trong vùng biển Việt Nam.

Ba là, không ngừng củng cố và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của toàn Lực lượng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng; xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trên các vùng biển đảo, góp phần nâng cao tính bền vững, khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của Lực lượng, của Quân đội, đáp ứng yêu cầu quân sự, quốc phòng trên hướng biển, cả trong thời bình cũng như trong thời chiến.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” trên tất cả các mặt, đặc biệt chú trọng xây dựng Lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, tham mưu, huấn luyện, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Kết hợp thực hiện đồng bộ với Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia.

Những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường khiến vấn đề an ninh trên biển của nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam vì thế cũng nặng nề hơn; công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, cấp thiết hơn và ngày càng phức tạp hơn do sự tác động của nhiều nhân tố mới. Thực tế đó xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Cạnh tranh chiến lược biển giữa các cường quốc trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày càng gay gắt, đặt ra thách thức trong triển khai chính sách đối ngoại của nước ta, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và phức tạp hóa quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến lợi ích quốc gia trên biển; thách thức an ninh phi truyền thống và hoạt động của các loại hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển ngày càng phức tạp, tinh vi trên các vùng biển Việt Nam; sự phát triển của khoa học - công nghệ dẫn tới những thách thức an ninh mạng, tin tặc lợi dụng mọi kẽ hở để tấn công xâm nhập, thu thập thông tin, phá hoại nền tảng tư tưởng, tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch với quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, trong khi cơ chế kiểm soát bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng ở nước ta còn một số hạn chế, bất cập; Tình hình trật tự, an toàn xã hội tại một số địa phương ven biển tương đối phức tạp, đi kèm là nguy cơ “diễn biến hòa bình” tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo ven biển; Mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa tác động tiêu cực đến đời sống, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, gây suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng...

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển cần đoàn kết một lòng, ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập, thi đua lập thành tích, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ chính sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nội dung Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, biên soạn hệ thống tài liệu quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới bảo đảm phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển và phù hợp đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, từng đối tượng, quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn. Kết hợp tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện, phát huy hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trên biển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, lấy mục tiêu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển mạnh về chính trị làm cốt yếu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi quân nhân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Làm tốt công tác tham mưu, chủ động nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ đang phát triển rất nhanh chóng, bên cạnh yếu tố con người và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, vấn đề bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cần phải được quan tâm nhằm bắt kịp với xu thế quốc tế trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và đi tắt, đón đầu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống chiến lược, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Đây là mục tiêu quan trọng nhằm tăng cường tiềm lực của Lực lượng Cảnh sát biển nói riêng, của Quân đội nói chung, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

Chú trọng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình hợp tác, diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trong bối cảnh các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực, trật tự pháp lý quốc tế diễn ra ngày càng phổ biến, việc thiết lập và phát triển quan hệ giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước là biện pháp được đồng bào, nhân dân cả nước ủng hộ, coi đây là phương thức quan trọng để giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, vì hòa bình, an ninh, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam luôn nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định và lợi ích chung. Trên cơ sở đó, vấn đề bảo vệ biển, đảo Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nói chung và là trách nhiệm nặng nề nhưng thiêng liêng, cao cả của Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.

Với truyền thống 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự tin yêu của nhân dân, trong những năm tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để duy trì sự hiện diện và thế đứng Việt Nam trên Biển Đông, bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, góp phần giữ vững cơ đồ, xây dựng tiềm lực, nâng cao vị thế và khẳng định uy tín Việt Nam trên trường quốc tế./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát biển Việt Nam tham gia bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO