Cảnh giác với nhiều dịch bệnh sau Tết

Thu Trang/HNM| 13/02/2019 09:55

Sau Tết là đặc trưng của hình thái thời tiết mùa xuân với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm... làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, ngành Y tế đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết cực đoan 

Đề cập đến những dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo quy luật, thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân với độ ẩm tăng cao, mưa phùn kèm theo nồm ẩm là thời điểm rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sởi, thủy đậu, cúm, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết… phát sinh và phát triển. 
Cảnh giác với nhiều dịch bệnh sau Tết
Để phòng dịch bệnh sau Tết, Bộ Y tế phối hợp với các ngành giám sát dịch bệnh, tổ chức phun thuốc khử trùng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre. Còn tại Hà Nội, trong đầu năm 2019 cũng đã ghi nhận hơn 80 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý, tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn thành phố tương đối ổn định nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan. Nhiều người dân cho rằng, thời điểm giao mùa đông - xuân thường không có muỗi do tiết trời lạnh và không mưa nhiều như mùa hè. Quan niệm này chưa chính xác. 

Bởi đặc điểm khí hậu miền Bắc nước ta vào thời gian này nền nhiệt cao hơn kèm theo những đợt không khí lạnh ngắn ngày, mưa phùn, nồm khiến môi trường ẩm ướt lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Ở miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng từ tháng 3 đến tháng 11. 

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông - xuân khi thời tiết nồm ẩm kéo dài với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Ngay trong tháng 1-2019, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 64 trường hợp mắc sởi. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. 

Sau Tết Nguyên đán thời tiết nóng ẩm, mưa phùn, đồng thời là mùa của lễ hội với việc giao lưu, đi lại nhiều, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm cũng gia tăng rất thích hợp để vi rút cúm lây lan, bùng phát. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm ở động vật, không có ca bệnh cúm gia cầm trên người. 

Tuy nhiên, những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm A/H5N1. Bệnh cúm A/H5N1 lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm tại nước ta vào cuối năm 2003. Sau đó, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003-2006. Ngoài ra, giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc, trong đó có 64 người chết (chiếm 50,4%) vì cúm A/H5N1. 

Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không chỉ H5N1 mà cả H7N9, H5N6, H1N1 đều là những chủng cúm gia cầm độc lực cao, rất nguy hiểm có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người. Nếu người sử dụng thịt gà, vịt, động vật chưa được nấu chín kỹ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong trường hợp gà, vịt, động vật mắc bệnh, bao gồm cả cúm gia cầm độc lực cao, đặc biệt là khi ăn tiết canh.

Chủ động đối phó với dịch bệnh 

Để phòng chống dịch bệnh sau Tết và mùa lễ hội xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát dịch bệnh và mở rộng diện giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra diện rộng. 

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng có yêu cầu sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đối với những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Còn tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, từ đầu năm 2019, ngành Y tế đã chủ động lên các phương án phòng chống dịch bệnh; duy trì việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường, quận, huyện; giám sát trọng điểm dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, những ổ dịch cũ và tại các bệnh viện. 

Tuy nhiên, để công tác phòng dịch có hiệu quả cần sự tham gia của cả cộng đồng. Mỗi người dân hãy tích cực phòng dịch ngay từ gia đình mình bằng việc tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi... và đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với nhiều dịch bệnh sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO