Lực lượng chức năng huyện Phúc Thọ tuyên truyền, hướng dẫn chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại xã Hát Môn về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Bá Hoạt |
Diễn biến phức tạp
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, từ tháng 9 đến tháng 11-2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 182 vụ cháy, khiến 4 người thiệt mạng, 9 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 57 tỷ đồng. Đáng nói, số vụ cháy trong 3 tháng kể trên chiếm gần 30% số vụ và gần 50% số người chết, bị thương tính từ đầu năm.
Đánh giá tình hình trong mùa hanh khô năm nay, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận định, do thời tiết ít mưa, nhiệt độ bất thường dẫn đến nguy cơ cháy, nổ diễn biến phức tạp. Trong đó, các cơ sở, như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà chung cư, nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, kho xưởng… có nguy cơ cao nhất về cháy, nổ.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 12-2018 đến nay liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại các loại hình cơ sở khác nhau, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Cụ thể là vụ cháy xảy ra ngày 4-12 ở khu tập thể A12 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa); vụ cháy ngày 8-12 tại đình Thọ Tháp (quận Cầu Giấy); vụ cháy ngày 10-12 tại tầng 31 tòa nhà HH3B - khu tổ hợp chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai) khiến 1 người tử vong; vụ cháy ngày 13-12 tại gara ô tô Quang Minh (quận Nam Từ Liêm) và gần đây nhất là vụ cháy ngày 14-12 tại một quán karaoke bị đình chỉ hoạt động, ở số 17 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa).
Phân tích nguyên nhân các vụ cháy, Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho hay, do nhu cầu sử dụng điện tăng hơn những năm trước, từ đó dẫn đến chập, cháy thiết bị. Đây là nguyên nhân khá phổ biến, chiếm đến 60% số vụ cháy. Cùng với đó, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề, việc sản xuất và tích trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân gia tăng, dẫn đến những sự cố cháy kho chứa hàng hóa, xưởng sản xuất. Chưa kể, nguy cơ xảy ra cháy do đốt vàng mã, thắp hương sẽ tăng cao...
Điều đáng lo ngại là, ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân, người đứng đầu cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại Công ty cổ phần United Motor Việt Nam (huyện Sóc Sơn) đã phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, năm 2017, tại kho xưởng của công ty này đã xảy ra cháy, gây thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01 về “Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố năm 2018”, đơn vị cũng phát hiện nhiều vi phạm, tái vi phạm ở các loại hình.
Tuyên truyền đi đôi với xử lý vi phạm
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia dập lửa trong vụ cháy xảy ra ngày 4-12 ở khu tập thể A12 Phạm Ngọc Thạch. |
Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, đơn vị đang tích cực thực hiện Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01, tổ chức điều tra cơ bản, tiếp cận địa bàn, phân loại đối tượng, mở hồ sơ theo dõi để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
“Đối với các cơ sở có nguy cơ cao, không tuân thủ quy định về an toàn cháy, nổ, đơn vị sẽ xử lý nghiêm minh, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, hạn chế trong phòng cháy, chữa cháy”, Trung tá Tô Hồng Nho nói.
Bên cạnh đó, Công an thành phố đã chỉ đạo đơn vị phối hợp cùng công an các quận, huyện, thị xã liên tục tổ chức các cuộc diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy với đa dạng các loại hình cơ sở (nhà chung cư, hầm ngầm, kho xăng dầu, nhà tập thể)… nhằm nâng cao năng lực giải quyết các tình huống cháy, nổ. Để hạn chế đến mức tối đa sự cố cháy, nổ, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được đặt lên hàng đầu.
"Đặc biệt là trong mùa khô với nhiều diễn biến cháy, nổ bất thường như năm nay, đơn vị đã tập trung đánh giá các loại hình cơ sở có nguy cơ cao nhất; đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, chủ động phát hiện sơ hở để từ đó nâng cao sự chủ động của người dân, người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn" - Trung tá Tô Hồng Nho cho hay.
Để giảm thiểu sự cố cháy, nổ trong mùa hanh khô, Đại úy Đỗ Thái Sơn, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) khuyến cáo, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trong đó, thường xuyên kiểm tra, sắp xếp các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt… trong doanh nghiệp, gia đình, kịp thời phát hiện nguy cơ phát sinh cháy, nổ để có biện pháp xử lý. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, người dân cần đặc biệt chú ý khi thắp hương thờ cúng; không đốt vàng mã ở khu vực bếp, tầng tum… để đề phòng cháy, nổ.
Ngoài ra, mỗi người dân và cộng đồng dân cư cần chủ động tìm hiểu, học tập nhằm trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy để tự phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra gần 800 vụ cháy khiến 10 người tử vong, 20 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 350 tỷ đồng và hơn 2ha rừng. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ cháy và thiệt hại về người đều giảm, nhưng lại tăng thiệt hại về tài sản. |