Tuy nhiên, ý tưởng tưởng chừng thông minh này đã biến thành một cơn ác mộng khi tiền của họ đã biến mất do bị biển thủ bởi Ausin China - công ty tư vấn đầu tư chuyên môi giới bất động sản ở Australia cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Tháng 8/2018, 17 văn phòng của công ty này đột ngột đóng cửa, khiến 200 khách hàng đặt mua những căn hộ chưa xây tại 15 dự án bất động sản Australia mất trắng 49,6 triệu USD.
Trước tình trạng trên, không ít người Trung Quốc đã tìm cách xin thị thực dài hạn hoặc mua tài sản ở nước ngoài như một biện pháp đảm bảo để an tâm trước điều kiện xấu đi trong nước. Thậm chí nhiều người giàu có còn tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài do thiếu các lựa chọn đầu tư trong nước và chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thất vọng và bất an
Thông thường, công dân của các nước phát triển và đang phát triển đưa tiền ra nước ngoài để tận dụng cơ hội đầu tư. Họ đưa ra quyết định đó do các lựa chọn cá nhân về rủi ro và lợi nhuận, chứ không phải vì các yếu tố chính trị trong nước. Hoạt động tài chính của họ cũng không bị hạn chế.
Thế nhưng, ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn có tài sản ở nước ngoài vì lo ngại về chất lượng cuộc sống xấu đi và thất vọng vì có ít cơ hội đầu tư trong nước. Họ muốn đưa tiền đến nơi an toàn hơn và họ có thể có cuộc sống thoải mái.
Vấn đề lớn nhất đối với người dân Trung Quốc là chính phủ đang hạn chế dòng vốn ra khỏi đất nước. Chính phủ nước này muốn tiền kiếm được ở Trung Quốc phải ở lại Trung Quốc để thúc đẩy phát triển, bất chấp hậu quả tài chính mà điều này có thể gây ra đối với các cá nhân.
Nhiều năm qua, thị trường bất động sản bùng nổ giúp các nhà đầu tư trung lưu kiếm được nhiều tiền nhưng họ lại đang cảm thấy bất an. Họ lo sợ rằng "bong bóng" bất động sản trong nước ngày càng dễ vỡ. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm không khí nặng, bê bối vắc-xin, vấn đề an toàn thực phẩm và hệ thống giáo dục cứng nhắc cũng khiến những người giàu có muốn đến nước khác sinh sống.
Zhang (40 tuổi) cho biết: "Tháng 5 vừa qua, tôi và 14 người khác tham gia một chuyến du lịch đầu tư do Ausin tổ chức tới Australia. Họ sắp xếp cho chúng tôi đến thăm 10 dự án bất động sản ở Sydney, Melbourne và Brisbane, bao gồm căn hộ, biệt thự và nhà đất. Ngay từ khi đặt chân đến Australia, tôi đã yêu đất nước này. Ở đây, giá bất động sản và chi phí sinh hoạt khá hợp lý đối với chúng tôi, chưa kể đến chất lượng không khí, hệ thống pháp luật và giáo dục cực kỳ tốt".
"Cánh cửa hẹp" cho người dân Trung Quốc
"Cánh cửa" để người Trung Quốc chuyển tài sản ra nước ngoài dường như đang đóng lại. Càng ngày Bắc Kinh càng nghiêm khắc trong việc trừng phạt những dòng tiền đổ ra nước ngoài bất hợp pháp. Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước đã phát hiện những trường hợp sử dụng "ngân hàng ngầm" để chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản. Bắc Kinh cho mỗi cá nhân hạn ngạch ngoại hối là 50.000 USD một năm.
Trong khi đó, nhiều nước như Mỹ, Australia... cũng ngày càng ghẻ lạnh với tiền của người Trung Quốc trong thị trường bất động sản. Cụ thể, Australia đã thắt chặt quy định đầu tư nước ngoài để phản ứng trước với dòng vốn đầu tư cao kỷ lục từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Từ tháng 8/2016, Australia đã cấm 4 ngân hàng lớn cho người mua bất động sản không có thu nhập trong nước vay.
Đầu năm 2018, New Zealand cũng cấm người nước ngoài mua bất động sản sau khi nhu cầu tăng mạnh, chủ yếu là từ người Trung Quốc, đã đẩy giá bất động sản vượt ra khỏi tầm với của nhiều người dân địa phương. Nước này còn chấm dứt chương trình trao quyền cư trú lâu dài cho những nhà đầu tư nước ngoài lớn.
Thủ tướng Malaysia tuyên bố sẽ không cho phép người nước ngoài mua nhà ở dự án khu đô thị Forest City |
Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố chính phủ sẽ không cho phép người nước ngoài mua nhà ở dự án khu đô thị Forest City. Điều này đã kiến nhiều nhà đầu tư trung lưu Trung Quốc lo lắng.
Sau đó, Văn phòng Thủ tướng đã làm rõ rằng ý ông là việc mua bất động sản không giúp người nước ngoài được tự động cấp visa dài hạn. Dù vậy, phát biểu của ông Mahathir vẫn làm các nhà đầu tư Trung Quốc hoang mang. Laura Zhang chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy không được chào đón ở đây và ngày càng có nhiều sự không chắc chắn và rủi ro đối với thị thực và đầu tư dài hạn".
Còn tại Mỹ, nhu cầu của người Trung Quốc về thị thực đầu tư EB-5 - cho phép người nước ngoài đầu tư và định cư tại Mỹ đang giảm do những bất ổn về chương trình này nói riêng và luật nhập cư nói chung dưới thời Tổng thống Trump. Hiện nay, thời gian phê duyệt thị thực có thể mất đến 10 năm, khiến không ít người nản lòng.
Liu Zhenbiao, người đứng đầu Tập đoàn Jixi, cho biết: "Chúng tôi thấy căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến quá trình xin EB-5".
Bất chấp những khó khăn và rủi ro ngày càng tăng, nhiều người trung lưu Trung Quốc vẫn muốn thực hiện tham vọng sở hữu tài sản ở nước ngoài. Theo Công ty môi giới Kong Shaoshi, Nam Á đang là sự lựa chọn ngày càng phổ biến do bất động sản ở các thành phố Nam Á có lợi nhuận cao và có giá cả phù hợp hơn với những người trung lưu. Mỗi ngày, công ty môi giới này nhận được hàng chục cuộc gọi từ các nhà đầu tư cá nhân.
Zhang, người bị mất tiền vì Ausin China chia sẻ rằng vẫn muốn mua bất động sản ở nước ngoài bởi anh thực sự lo lắng về tình hình kinh tế xấu đi tại Trung Quốc.