Việc chuyển nhượng dự án BĐS hiện gặp nhiều khó khăn do ách tắc thủ tục. Ảnh minh họa
Kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào năm 2015, Sở đã thụ lý 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư. Trong đó, chỉ có 44 dự án có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, chiếm tỷ lệ 26%. Còn lại 126 dự án, chiếm tỷ lệ đến 74%, chủ yếu có nguồn gốc do bồi thường đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng.
Bên cạnh đó, việc Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi từ "đất ở" thành cụm từ "đất ở và các loại đất khác" đã xảy ra xung đột giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai. Việc sửa đổi chữ "đất ở" trong Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất với Luật Đất đai sẽ giúp tháo gỡ được ách tắc này.
Trong khi chờ sửa đổi Luật Nhà ở, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành Văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng thì được chỉ định chủ đầu tư, với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị, khu dân cư của địa phương.
Về vấn đề chuyển nhượng dự án kinh doanh BĐS, nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, trong đó, có nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng. Hiện nay theo các quy định pháp luật, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được chuyển nhượng dự án, nên việc chuyển nhượng rất khó khăn.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ để khởi động lại các dự án đã bị ngừng triển khai. Đồng thời, sự ách tắc này cũng chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án từ đó khó tăng thêm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị "đắp chiếu, trùm mền", là "hàng dự án tồn kho", nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. “Cần khơi thông điểm nghẽn này để thị trường phát triển vững mạnh hơn, giải quyết vấn đề ách tắc nguồn cung”, HoREA kiến nghị.