Cần có một “cánh đồng cấy gặt” cho văn học nghệ thuật thiếu nhi

Phạm Đình Ân| 21/09/2022 15:35

1. Lâu nay, một bộ phận tác giả hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa thật sự coi trọng đối tượng hướng đến là trẻ em. Họ cho rằng sáng tác cho trẻ em thì dễ nhưng khó nổi tiếng.

Cần có một  “cánh đồng cấy gặt”  cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và dành tình yêu thương đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Thật ra, hoàn toàn không phải vậy, mà ngược lại. Khu vực văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em có tính đặc thù cao. Đặc thù trước tiên là yếu tố lứa tuổi (nhỏ bé) của nhân vật mà nghệ sĩ hướng đến để sáng tạo, đồng thời cũng là đối tượng thứ nhất (nhỏ bé) hưởng thụ tác phẩm. Sáng tác cho trẻ em không dễ. Làm cho hay, cho đẹp, thuyết phục được trẻ em, lại càng khó. Không ít tác giả đã làm thử rồi phải “chào thua”! Muốn trở thành tác giả có tên tuổi là niềm hy vọng chính đáng của nhiều người viết, khổ một nỗi tiếng vang đâu chỉ phụ thuộc vào việc sáng tác cho ai, sáng tác về cái gì, mà do tài năng và lao động sáng tạo quyết định. 
Muốn sáng tác cho trẻ em, về tất cả các loại hình như: văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, múa... trước tiên phải có tình yêu và sự hiểu biết, hòa đồng đối với trẻ em. Nhưng yêu đến mức nào, hiểu biết và hòa đồng ra sao lại là điều cần nói đến nhất. (Ai cũng yêu trẻ em; vô cùng hiếm hoi người thờ ơ hoặc ghét bỏ trẻ em. Tuy nhiên, xin đừng ngộ nhận rằng ai đó yêu con cháu mình thì họ cũng yêu tất cả thế giới trẻ thơ). Đã là người làm công việc chăm sóc trẻ em, sáng tác cho trẻ em thì dứt khoát phải có tình yêu chân thành nhất, sâu nặng nhất; cần dày công tìm hiểu, học hỏi về trẻ em/ ở trẻ em. Nhất là với người sáng tác cho trẻ càng cần yêu thương, hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, cảm xúc, tâm hồn… của trẻ ở mức độ cao nhất, hơn hẳn người bình thường. Đó là điều kiện trước tiên, không thể bỏ qua. 
Cần có một  “cánh đồng cấy gặt”  cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
Nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và NSND Ngô Mạnh Lân là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm hay dành cho thiếu nhi.

Tác phẩm có chất lượng chỉ sinh ra từ tài năng và lao động sáng tạo. Khi không có tình yêu, và ý thức trân trọng cái mình làm, thì tài năng và lao động sáng tạo chắc chắn sẽ bị kìm hãm. Có văn nghệ sĩ được trao giải cao về tác phẩm dành cho người lớn nhưng lại khó có thể viết một bài thơ, một đoạn văn, một bản nhạc, vẽ một bức tranh ngộ nghĩnh, có sắc màu lôi cuốn trẻ thơ, một màn kịch nho nhỏ... dành cho trẻ em, mặc dù họ rất thông thạo về các loại hình nghệ thuật nào đó, là điều rất dễ hiểu.
Cần có một  “cánh đồng cấy gặt”  cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
Như một thói quen, lâu nay, nói đến sáng tác văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em, người ta hay để tâm nhiều đến lĩnh vực văn học mà ít chú ý đến lĩnh vực nghệ thuật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, đã phát biểu chỉ đạo: “Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi, đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là CON NGƯỜI VIỆT NAM. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới”(Báo Văn nghệ, số 49 (28/11/2020). Như vậy, đồng chí Võ Văn Thường đã nhắc đến cả hoạt động sáng tạo thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật dành cho trẻ em. Nhưng trên thực tế, văn học vẫn đi đầu. Chứng cớ là tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X cũng nêu chủ trương quan tâm sâu sắc đến văn học cho trẻ em, cụ thể là sẽ tổ chức trao giải thưởng hằng năm. Mới đây, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc trao Giải thưởng Văn học trẻ và chính thức phát động cuộc vận động sáng tác cho trẻ em.
2. Văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em đã có nhiều tác phẩm vươn tới giá trị cổ điển. Những tác phẩm đứng được cũng không ít. Chẳng hạn ngành âm nhạc đã chọn được 100 hoặc 50 bài hát hay nhất dành cho trẻ thơ. Tuy nhiên, nhìn rộng ra các ngành thì vẫn còn những sáng tác phạm nhiều nhược điểm, chúng không phù hợp với công chúng nhỏ tuổi, dễ thấy là: nhạt, sơ sài, khô cứng, trùng lặp, nội dung hướng nhiều đến tuổi lớn, hơn là trẻ nhỏ đúng nghĩa. 
Cần có một  “cánh đồng cấy gặt”  cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
Người viết bài này xin tạm nêu lên 9 yếu tố cần thiết giúp tác phẩm dành cho trẻ em đạt được chất lượng. Có yếu tố phù hợp với lĩnh vực văn học, có yếu tố đắc dụng đối với lĩnh vực nghệ thuật.
Một là: Ngây thơ, ngộ nghĩnh, trong trẻo, giản dị, dễ hiểu là yếu tố đầu tiên giúp tác phẩm đến với trẻ thơ dễ dàng, nhất là ở trẻ chưa đi học hoặc ở vài lớp đầu bậc Tiểu học. Người sáng tác cần chú ý ngay đến lứa tuổi độc giả theo từng nấc. Từ tuổi lên năm đến mười lăm là một khoảng cách dài, cần phân biệt làm mấy nấc. 
Hai là: Vui nhộn, hài hước. Kiểu nói ngược, nói đố, đưa ra cái phi lý tưởng như là ất ơ, dớ dẩn (mà vẫn có nghĩa nào đó) lại giúp trẻ nhỏ tăng thêm niềm hứng thú, như được dự một trò chơi. 
Ba là: Tăng động, giảm tĩnh; nhiều hình ảnh, âm thanh, sắc màu; đưa người thưởng thức vào các mối  quan hệ; tăng đối thoại, gợi đối thoại đối với người tiếp nhận. 
Bốn là: Mới mẻ, lạ kỳ, biến hóa giúp các em nảy sinh và nuôi dưỡng trí tưởng tượng. 
Năm là: Chất truyện tạo hấp dẫn (như cổ tích, thần thoại, chuyện lạ từng mê hoặc trẻ thơ). Nếu là thơ thì dạng truyện kể có ưu thế hơn dạng trữ tình nội tâm. Tránh dài dòng và nghèo hình ảnh. Nên giảm nghĩ ngợi triền miên, nặng nề. 
Sáu là: Chất dân gian thắm đượm. Đồng dao chẳng phải là vốn văn học dân gian đáng quí của trẻ em đó sao? Đương nhiên, tránh sao chép dân gian mà cần sáng tạo dân gian một cách linh hoạt. Khi phong vị dân gian thấm nhuyễn vào tác phẩm thì các em sẽ dễ bị thuyết phục. 
Bảy là: Tính dân tộc truyền thống cần luôn luôn hòa quyện vào tính hiện đại quốc tế cả ở nội dung và cách diễn đạt (với một mức độ, sắc thái có thể). Cần tránh lai căng xa lạ; nâng cao ý thức bồi dưỡng tâm hồn người Việt, dẫn trẻ em trở về với cánh đồng, con cò, sân đình, cây đa, bến nước… Tuy nhiên, nên nhớ rằng điệu nhịp thơ văn cùng đời sống tâm hồn đều đều như sông chảy, mây trôi, hình ảnh quê nhà mòn lặp, hoặc tranh vẽ, vở diễn, lời ca... cũ kỹ, khô cứng, ít sáng tạo có thể không còn tương thích với tâm lý và nhu cầu của trẻ em hôm nay.
Tám là: Sử dụng hợp lý hai biện pháp hiện thực trực tiếp và hiện thực đồng thoại. Hiện nay, đồng thoại chỉ còn phù hợp với lứa tuổi bé nhất. Nhiều tác giả thấy đồng thoại dễ viết mà ít để ý rằng biện pháp nghệ thuật này trùng lặp quá nhiều. Văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em đang cần tính giáo dục cao thì biện pháp hiện thực trực tiếp sẽ tạo thuận lợi cho văn nghệ sĩ hơn.
Chín là: Chú ý đến ngôn ngữ văn chương, chăm chút cho vẻ đẹp của tác phẩm sẽ khiến trẻ thơ yêu tiếng Việt, ham mê tìm hiểu, trau dồi lời ăn tiếng nói. Từ đó các em biết thế nào là bài thơ, cuốn truyện hấp dẫn; bức tranh sinh động; vở diễn lôi cuốn, ấn tượng; rộng và cao hơn là cảm thụ được vẻ đẹp linh diệu của văn hóa tinh thần. 
Những yếu tố nêu trên thường xuyên xen thấm vào nhau trong tác phẩm. Các yếu tố 1, 2, 3, 4, 5, 9 là thiết thực nhất, chúng ảnh hưởng trực tiếp đối với văn nghệ sĩ khi lao động sáng tạo. Tùy thể loại, loại hình văn học, nghệ thuật, và liều lượng, không nhất thiết tác phẩm nào cũng cần đầy đủ tất cả các yếu tố nêu trên. Cần lưu ý rằng nghệ thuật tuy có những điểm chung với văn học nhưng cũng có những yếu tố rất riêng, ấy là ngôn ngữ thuộc các loại hình riêng, không chỉ là ngôn ngữ văn tự.
3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Vào những dịp Tết Trung thu, ngày khai trường, ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi…, Bác thường gửi thư thăm hỏi, chúc mừng. Đó là những bức thư được viết bằng những câu văn, vần thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu, dễ thuộc mà luôn chan chứa tình yêu thương của Người.
Mong rằng, trẻ thơ nước nhà sẽ luôn được toàn xã hội quan tâm, vun trồng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhất là, ở đời sống tinh thần, khu vực văn học, nghệ thuật đặc biệt, đặc thù này từ Trung ương đến địa phương cần được quan tâm ráo riết hơn, thường xuyên hơn, khiến hoạt động sáng tác, bàn luận sẽ bừng thức, sôi nổi. Quốc hội từng bàn nhiều đến học sinh - nhà trường, cũng là nói đến thiếu nhi; mong rằng đã quan tâm thì từ nay toàn xã hội sẽ quan tâm hơn nữa đối với thiếu nhi và văn học nghệ thuật hướng về trẻ em. Trước tiên, ngoài các hội văn học nghệ thuật, các ban - ngành văn hóa - xã hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố nên có các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi; tổ chức hội nghị, hội thảo, trại viết, đi thực tế, “đặt hàng” đối với tác giả, trao giải thưởng xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ… Báo và tạp chí văn học, nghệ thuật nên thường xuyên đăng bài phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi, dựng vở diễn, triển lãm tranh..., tránh “xuân thu nhị kỳ” như chỉ có vào dịp Tết, ngày 1/6 và Trung thu. Mức nhuận bút tác phẩm cho trẻ em nên trở lại như trước đây là tăng 30%. Sách viết cho trẻ em (phải đạt chất lượng mới cho giấy phép), cần được miễn lệ phí xuất bản. Số bản sách viết cho các em cần được tăng lên. Cần có một “cánh đồng cấy gặt” của văn học nghệ thuật cho trẻ em, nên tổ chức Ngày hội sách văn học cho trẻ em hoặc những đợt triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, dựng và chiếu phim cho trẻ em.
Cần tạo điều kiện, môi trường sáng tạo dành cho thiếu nhi. Đối với nhà văn, chỉ cần trang giấy, cây bút, máy tính. Người vẽ tranh chụp ảnh chỉ cần tấm toan, bút vẽ, máy ảnh. Nhưng đối với những tác giả tham gia hoạt động biểu diễn như người làm điện ảnh, sân khấu... thì điều kiện và môi trường đặt ra khác hẳn. Viết nhạc cũng vậy, phải có thu âm, phối khí, cần ca sĩ, nhạc công cùng hoàn thiện tác phẩm phối hợp dàn dựng. Một tác giả đã viết trên báo Văn nghệ Công an (6/2022) nêu ý kiến của nhạc sĩ Trần Viết Bính (tác giả ca khúc “Hạt gạo làng ta” (thơ Trần Đăng Khoa), rằng hiện nay bài hát viết cho thiếu nhi có khá nhiều, nhưng trẻ em và công chúng lại ít được nghe nhiều như ngày xưa bởi cái thiếu hiện nay là cái thiếu nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng tác phẩm. 
Chúng ta tin giới văn nghệ sĩ sẽ vượt qua mọi trở ngại và hy vọng rằng văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em sẽ nhanh chóng khởi sắc.
Cần có một  “cánh đồng cấy gặt”  cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
Hy vọng văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi ngày càng khởi sắc.
(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Cần có một “cánh đồng cấy gặt” cho văn học nghệ thuật thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO