Đây là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển Aus4Skills do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức.
Chương trình là sự tiếp nối các hoạt động thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nói chung, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các kế hoạch nhằm hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong đào tạo, mục tiêu là xóa bỏ rào cản, hướng đến sự hòa nhập bền vững cho người khuyết tật.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về các khái niệm khuyết tật; những khó khăn, rào cản mà người khuyết tật phải đối mặt và vượt qua trong cuộc sống; tầm quan trọng của hòa nhập, hành trình học tập tại các trường nghề và quá trình tìm việc của người khuyết tật... Đồng thời, phổ biến các nội dung về khung pháp lý, chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong đào tạo nghề nghiệp, từ đó dễ tiếp cận các cơ hội việc làm, tăng cường hòa nhập, ổn định thu nhập và cuộc sống.
Ngoài ra, chương trình cũng là cơ hội để các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, kết nối, góp phần nâng cao nhận thức về người khuyết tật cũng như tầm quan trọng của hòa nhập, từ đó lập kế hoạch hành động và những chiến lược phát triển phù hợp với đơn vị công tác của mình.
Trong những năm qua, Chương trình hỗ trợ phát triển Aus4Skills của Chính phủ Australia không ngừng nỗ lực nhằm đa dạng hóa lực lượng lao động của Việt Nam thông qua nhiều hoạt động và kết nối. Năm 2022, Aus4Skills tiếp tục hợp tác với các tổ chức của người khuyết tật tại Australia và Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics và cơ sở giáo dục nghề nghiệp gỡ bỏ những rào cản mà sinh viên khuyết tật đang gặp phải.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh cho biết, Việt Nam có nhiều chính sách pháp luật hỗ trợ người khuyết tật, trong đó quyền đào tạo nghề, việc làm với người khuyết tật được quy định cụ thể. Tuy nhiên, công tác giáo dục, đào tạo đối với người khuyết tật còn nhiều hạn chế, số lượng người khuyết tật tốt nghiệp cao đẳng, đại học, được đào tạo nghề đạt tỷ lệ chưa cao, do đó, đa phần người khuyết tật chưa có việc làm ổn định, khó có việc làm để vươn lên trong cuộc sống.
Trước thực trạng đó, những khóa bồi dưỡng giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo cơ hội việc làm, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình người khuyết tật, làm nên kết quả tích cực cho giáo dục, đào tạo nghề cho người khuyết tật.