Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo bà Hoa, nội dung sửa đổi, bổ sung về quy định ghi tên thành viên trong sổ đỏ nhằm hướng dẫn chi tiết hơn về cách ghi tên người sử dụng đất trên sổ đỏ đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình; trường hợp sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng …) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.
Bà Hoa cũng khẳng định, việc ghi tên hộ gia đình trên sổ đỏ như trước đây đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, do đó gặp khó khăn trong việc được pháp luật bảo hộ khi có rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự.
Một điều lưu ý là, mặc dù quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao cho các thành viên trong hộ gia đình, nhưng chủ hộ gia đình tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ gây ra tình trạng mất quyền và thiếu đất sản xuất của các thành viên còn lại.
Chính vì thế, theo bà Hoa, việc ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai và khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực tiễn.
“Việc ghi tên thành viên trên sổ đỏ sẽ chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, không tạo ra các khó khăn hay rào cản, mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình”, bà Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Hoa, việc ghi tên thành viên vào sổ đỏ cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận những “thiếu sót” về cách diễn đạt khi ban hành Thông tư 33 khiến dư luận hiểu chưa đúng.
Thực ra, “quy định ghi tên sổ đỏ trong Thông tư 33 chỉ mang tính sửa kỹ thuật trong ngành. Trong ngành đọc thì hiểu rất nhanh, nhưng người dân thì khó hiểu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rút kinh nghiệm về việc này”, bà Hoa nói.