Bộ sách quý về lịch sử địa danh và địa giới hành chính Việt Nam
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc bộ sách "Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam" do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân biên soạn. Với gần 2.000 trang sách, bộ sách cung cấp cái nhìn toàn diện về sự hình thành, phát triển và điều chỉnh địa danh, địa giới đơn vị hành chính qua từng giai đoạn lịch sử.
Thay đổi địa giới hành chính là quá trình điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm phù hợp với sự phát triển của quốc gia. Đây là một yêu cầu tất yếu trong quản lý nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả điều hành và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng giai đoạn lịch sử.
Trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội, hệ thống địa giới hành chính Việt Nam cũng không ngừng thay đổi. Dưới các triều đại phong kiến, các đơn vị hành chính như châu, quận, phủ, tổng, xã liên tục được điều chỉnh. Đến thời kỳ cận - hiện đại, sự thay đổi vẫn tiếp diễn, phản ánh sự phát triển và quản lý lãnh thổ theo từng thời kỳ. Nhiều địa danh tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, không chỉ mang giá trị hành chính mà còn là dấu ấn lịch sử, văn hóa của từng vùng miền.
Hiện nay, tư liệu về địa danh và địa giới hành chính Việt Nam vẫn còn tản mạn, chưa được hệ thống hóa đầy đủ, gây khó khăn trong nghiên cứu và tra cứu. Việc xây dựng một công trình khoa học tổng hợp về chủ đề này là cần thiết, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử và hỗ trợ công tác quản lý, hoạch định chính sách.

Chính vì vậy, bộ sách "Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam" ra đời như một tài liệu nghiên cứu quan trọng, giúp bảo tồn những giá trị lịch sử và hỗ trợ công tác hoạch định chính sách.
Bộ sách gồm hai tập. Tập I ghi nhận sự hình thành và thay đổi địa danh, địa giới hành chính từ thời kỳ Hùng Vương đến tháng 4/1975, bao gồm các triều đại phong kiến, thời kỳ Bắc thuộc, thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Tập II tiếp nối từ tháng 5/1975 đến tháng 12/2024, phản ánh sự điều chỉnh hành chính trong giai đoạn hiện đại, đặc biệt là quá trình sáp nhập, chia tách các tỉnh, thành phố nhằm tinh gọn bộ máy quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ sách là một công trình khoa học đồ sộ được biên soạn và khảo cứu công phu, tổng hợp từ hàng nghìn tư liệu, tài liệu, văn bản pháp lý về sự phân chia địa giới nước Việt Nam thành các khu vực hành chính qua các thời kỳ, từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay.
Điểm nổi bật của bộ sách là việc sử dụng nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy từ các sách báo, văn bản pháp lý chính thức, đồng thời tổng hợp những thông tin mới về sự thay đổi địa danh, địa giới từ thời kỳ phong kiến và thời kỳ Pháp thuộc mà trước đây chưa được khai thác đầy đủ. Nhờ đó, bộ sách không chỉ mang giá trị biên niên lịch sử mà còn là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách, giảng viên, sinh viên và cả những ai quan tâm đến lịch sử hành chính Việt Nam.
Với giá trị thực tiễn cao, bộ sách được xem là một công cụ tra cứu quan trọng trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đang được xem xét sáp nhập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế. Không chỉ giúp lưu giữ thông tin về các địa danh cũ, bộ sách còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, tránh nguy cơ mai một khi các đơn vị hành chính thay đổi. Đây là một đóng góp quan trọng vào công tác nghiên cứu địa danh học, lịch sử địa phương và quản lý hành chính tại Việt Nam./.