Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương.
Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, HĐND, UB MTTQ Việt Nam TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; một số sở, ban, ngành TP...
Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà thay mặt Thường trực HĐND TP trình bày tóm tắt Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐB Quốc hội - Thường trực HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 với các yêu cầu, nguyên tắc, kết cấu, nội dung cơ bản.
Theo đó, Quy chế gồm 26 Điều chia làm 3 chương, với các nội dung: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp. Phối hợp thực hiện công tác bầu cử ĐB Quốc hội; phối hợp thực hiện công tác bầu cử ĐB HĐND các cấp TP và bầu Hội thẩm TAND TP; thực hiện công tác bầu cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư và của TP về công tác bầu cử.
Công tác phối hợp tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp thực hiện hoạt động phản biện xã hội và phổ biến, giáo dục pháp luật; đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật và các quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề của HĐND; các hoạt động theo chương trình kỳ họp; các nội dung liên quan xây dựng nghị quyết của HĐND; các hoạt động sau kỳ họp HĐND.
Phối hợp hoạt động giám sát, khảo sát và tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đảm bảo theo quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Phối hợp: Tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐB Quốc hội, ĐB HĐND với các hình thức phù hợp theo quy định; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương.
Phối hợp tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân; trách nhiệm: Thông báo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản QPPL khác liên quan.
Chế độ họp, thông tin; phối hợp giải quyết các nội dung công việc thuộc thẩm quyền Thường trực HĐND TP do UBND TP xin ý kiến và UB MTTQ Việt Nam TP kiến nghị, đề nghị.
Về trách nhiệm và hiệu lực thi hành, Quy chế nêu rõ: Đoàn ĐB Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế này; Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, Văn phòng UBND TP, Ban Dân chủ - Pháp luật UBMTTQ Việt Nam TP chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Đoàn ĐB Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP; TP tiếp tục thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, việc 4 cơ quan đại diện cho cử tri, cho các cơ quan hành pháp của Thủ đô tổ chức ký Quy chế phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2026 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để từng cơ quan chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật. Đồng thời, sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng các cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, phát triển KT-XH của TP, bảo đảm đời sống, lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Bí thư Thành ủy lưu ý một số nội dung để lãnh đạo các cơ quan cùng quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế. Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã ban hành nhằm lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp, đảm bảo phù hợp thực tế và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII để báo cáo nội dung theo đúng thẩm quyền. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, Văn phòng UBND TP và Văn phòng Ủy ban MTTQ TP trong đôn đốc, tham mưu, tổng hợp các nội dung báo cáo lãnh đạo 4 cơ quan triển khai các nhiệm vụ đảm bảo khoa học, nhuần nhuyễn, hiệu quả.
Thứ hai, đối với các nội dung phối hợp công tác có thời hạn thực hiện đã nêu tại Quy chế, lãnh đạo các cơ quan cần chỉ đạo bộ phận tham mưu chủ động tham mưu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt với việc chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND TP, coi là thước đo đánh giá chỉ số “phối hợp nội bộ” của các cơ quan hành chính của TP, qua đó tạo lan tỏa để các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cùng làm theo.
Thứ ba,trong phối hợp, các cơ quan gắn với việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng làm việc theo tinh thần “5 rõ”, tinh gọn bộ máy, cải cách TTHC và hiệu lực hiệu quả; phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân; không chỉ mối quan hệ của 4 cơ quan mà còn là mối quan hệ giữa dân với chính quyền, nhằm chăm lo người dân tốt hơn.
Thứ tư, thông qua phối hợp cần nắm bắt được tâm tư nguyện vọng người dân, đảm bảo ý kiến người dân được tiếp thu và chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; quan tâm thông tin tuyên truyền những nội dung này góp phần thu hút sự tham gia của người dân vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của TP, đảm bảo QPAN, nâng cao đời sống người dân.
Thứ năm, 4 cơ quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát các quy chế phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của TP trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã rà soát Quy chế phối hợp cấp mình để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy chế này, với kết quả chung là sự an dân, vì dân để phát triển.
Thứ sáu, định kỳ hằng năm TP tổ chức hội nghị liên tịch để kiểm điểm đánh giá kết quả phối hợp và kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao hơn chất lượng hoạt động mỗi cơ quan theo Quy chế đề ra.
Chỉ rõ nhiệm vụ của TP thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực nhiều, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Việc ký kết và thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác của 4 cơ quan là một nội dung quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2022.
Thay mặt lãnh đạo 4 cơ quan, đơn vị tổ chức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã trân trọng tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐB Quốc hội TP, của Thường trực HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam TP. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong quá trình thực hiện các hoạt động chung của các cơ quan giai đoạn 2021-2026, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của TP, của từng cơ quan đơn vị trong từng năm và cả giai đoạn, nhất là quyết tâm để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định.