Bất lực với nàng dâu coi mẹ chồng như ô sin

Thanh Hằng/GĐVN| 18/10/2017 16:31

Tôi có hai đứa con, một trai, một gái. Hai vợ chồng đều làm công nhân nhưng cũng cố gắng lo liệu để các con ăn học đến nơi đến chốn.

May mắn là chúng đều ngoan ngoãn, học giỏi, ra trường có công ăn việc làm ổn định. Cô chị sau khi tốt nghiệp trường sư phạm thì lấy chồng và được nhà chồng xin cho đi dạy ở một trường gần nhà. Cuộc sống của cháu yên ổn, đầm ấm khiến chúng tôi rất hài lòng. Còn cậu út, vợ chồng tôi xác định về già sẽ cậy nhờ nó nên không tiếc cái gì. Nó theo học ngành công nghệ thông tin, ra trường vật vờ vài tháng thất nghiệp rồi cũng xin được vào làm cho một công ty tư nhân. Đi làm được 2 năm, chưa thấy tích cóp được đồng nào thì nó về xin lấy vợ. Đó là một cô gái người thành phố, xinh xắn, nhanh nhẹn nhưng có phần lười biếng. Ngày con trai dẫn bạn gái về ra mắt, tôi đã có phần không ưng vì trong khi mẹ và chị chồng tương lai tất bật trong bếp thì nó vẫn ung dung ngồi chơi điện thoại, rồi bắt người yêu dẫn ra đồng lúa chụp ảnh. Tuy nhiên nghĩ đó là người mà con mình chọn, với lại lớp trẻ ngày nay cũng không thể yêu cầu cơm nước, nội trợ như xưa được nên tôi cũng tặc lưỡi bỏ qua.
2 (2)

Chưa thấy tích cóp được đồng nào thì con trai đã về xin lấy vợ

Cưới nhau xong, hai đứa thuê nhà trên Hà Nội sống. Được vài tháng thì con tôi gọi điện về bảo bố mẹ chạy cho 500 triệu để mua chung cư, nhà gái cũng sẽ cho 500 triệu. Mặc dù số tiền tích cóp cả đời không đủ nhưng vì con, vợ chồng tôi vẫn cố vay mượn thêm cho đủ để con có chỗ ở ổn định. Con trai mua nhà không bao lâu thì chồng tôi phát bệnh ung thư qua đời, chỉ còn mình tôi trong căn nhà trống vắng. Rồi con dâu tôi sinh cháu, cần người phụ giúp. Con trai thuyết phục tôi bán nhà lấy tiền trả nợ rồi lên sống cùng vợ chồng nó, vừa là để chăm cháu, vừa đỡ cô quạnh tuổi già. Nghĩ cũng hợp lý, lại được con gái động viên nên tôi chấp nhận. Đây có lẽ là quyết định sai lầm bởi hiện tại, cuộc sống của tôi vô cùng ngột ngạt. Tôi cảm thấy mình là “ô sin cao cấp” chứ không phải mẹ chồng nữa.

Khi con dâu ở cữ, tôi đã làm hết mọi việc, không để nó động tay động chân việc gì. Đêm đến cháu quấy khóc, tôi còn thức cả đêm để cho mẹ nó ngủ. Những tưởng sau khi con cứng cáp, con dâu tôi sẽ đảm nhận việc lo toan nhà cửa, vậy mà không. Từ khi mang bầu tháng thứ 7, nó đã xin nghỉ việc luôn, ở nhà nhưng không chịu làm gì mà chỉ suốt ngày chúi đầu vào điện thoại. Con được 3 tháng, rồi 6 tháng, rồi 9 tháng, nó cũng không hề nghĩ đến việc làm ăn. Hàng ngày, nó ngủ đến 9h sáng mới dậy, thậm chí con dậy trước cả tiếng đồng hồ mẹ mới mở mắt. Quần áo, bỉm, các thứ vứt lung tung, tôi lại phải dọn dẹp. Mang tiếng là mẹ chồng nhưng ngày nào tôi cũng tất bật với hàng tá việc nhà: Đi chợ, giặt quần áo, lau nhà, nấu ăn, bế cháu… Thà rằng con dâu đi làm, tôi còn đỡ ức, đằng này nó suốt ngày ở nhà mà cũng không chịu động tay chân vào việc gì.

Nhiều lần, tôi bóng gió xa xôi rằng con cái đã cứng cáp thì nên tìm việc gì đó làm để kiếm thêm thu nhập. Vài ngày sau, nó nói sẽ bán hàng qua mạng. Tôi chẳng biết nó làm công việc đấy như thế nào nhưng chẳng thấy hoạt động gì, thay vào đó là phấn son, mặc đẹp đi ra ngoài suốt ngày. Từ đây, tôi chính thức trở thành “ô sin cao cấp” khi vừa phải bế cháu vừa lo toan việc nhà. Tôi có nói với con trai để góp ý với vợ nhưng nó chẳng mấy mặn mà. “Vợ chồng con giờ làm cũng đủ ăn đủ tiêu rồi nên mẹ không cần lo, cô ấy buôn bán thì đi ra ngoài là chuyện đương nhiên”, nó bênh vợ như vậy thì tôi cũng chẳng biết nói sao.

1

Rất nhiều lần, tôi bị con dâu sai như ô sin

Tuy nhiên, điều khiến tôi mệt mỏi nhất không phải sự lười biếng của con dâu mà là thái độ của nó. Có lẽ trong mắt nó, tôi là người ăn nhờ ở đậu, phải làm mọi việc trong nhà như nghĩa vụ. Rất nhiều lần, tôi bị con dâu sai như ô sin mà vẫn phải cắn răng chịu đựng vì không muốn mẹ con bất hòa. Cho con bú, sữa ra áo, nó cũng sai mẹ chồng lấy khăn. Con đi vệ sinh, nó cũng gọi bà nội đi rửa cho cháu. Nhiều hôm con dâu ngồi vắt chân lên ghế chơi điện thoại còn mẹ chồng lụi cụi lau nhà. Ai nhìn thấy chắc chắn cũng nghĩ tôi là người giúp việc. “Mẹ ơi, pha cho con cốc nước”, “Mẹ ơi, hôm nay nấu món thịt bò kho nhé”, “Mẹ ơi, đi mua cho con cân cam”… Đó là những câu thường xuyên tôi phải nghe từ con dâu. Mặc dù nó nói rất nhẹ nhàng nhưng vẫn hàm ý sự sai khiến làm tôi cảm thấy rất khó chịu. Ngẫm lại ngày xưa đi làm dâu, mình phải thức khuya dậy sớm, nghe lời bố mẹ chồng răm rắp. Vậy mà bây giờ, 60 tuổi rồi mà như mình đi làm dâu lần hai vậy. Nhiều hôm ấm ức quá, tôi còn rơi nước mắt mà cũng chẳng biết tâm sự với ai. Những lần con gái gọi điện hỏi thăm, tôi rất muốn kể với nó nhưng lại xấu hổ, lại sợ nó sẽ làm ầm lên khiến gia đình mất đoàn kết.

Thời gian gần đây, tôi hay nghĩ đến việc chuyển về quê sống. Ngày trước bán nhà, tôi vẫn còn 300 triệu gửi ngân hàng, về quê có lẽ vẫn mua được căn nhà nhỏ. Sống một mình có cô đơn chút nhưng thoải mái, tự do. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định cho mình. Về quê bây giờ, mọi người sẽ thắc mắc tại sao lại về, rồi đồn đoán mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, như vậy thì tôi còn mặt mũi nhìn ai. Hơn nữa, còn con trai tôi, còn cháu nội. Không biết khi tôi không còn ở cùng, bố con nó sẽ ra sao với một người vợ, người mẹ lười biếng, luộm thuộm như vậy. Nhưng nếu tiếp tục ở cùng con dâu, có lẽ tôi sẽ phát điên mất. Tôi sắp không chịu nổi cảnh “mẹ dâu” này nữa rồi. Xin mọi người cho tôi một lời khuyên?.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Huyện Chương Mỹ: Chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển
    Với quyết tâm cao, bám sát chủ đề công tác năm 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 39-CT/HU của Huyện ủy, quý I năm 2025, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
  • "Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá"
    Vừa qua, tại Hà Nội, Công ty TNHH TMDV Viên An Group (VAG), đơn vị độc quyền thương hiệu Yi He Tang tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố chính sách nhượng quyền Yi He Tang Việt Nam năm 2025 với chủ đề Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá.
Đừng bỏ lỡ
Bất lực với nàng dâu coi mẹ chồng như ô sin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO