Thời gian gần đây, trước thông tin một số huyện đã được TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư để nâng thành cấp hành chính quận vào năm 2020, đã khiến cho giá các sản phẩm BĐS ở những khu vực này đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều dự án đô thị mới cũng chuẩn bị được triển khai. Ngoài Đông Anh là địa bàn có vị trí chiến lược trên trục cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, trong năm 2018 một số huyện ngoại thành khác cũng đã được TP chấp thuận đầu tư các “siêu dự án” như ở huyện Gia Lâm có khu đô thị Gia Lâm rộng 420ha; huyện Thanh Trì có Khu đô thị Thanh Trì diện tích 31ha...
Ở khu vực phía Đông và phía Bắc Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, hạ tầng kỹ thuật phần lớn đều được đầu tư mới, tiện ích, hiện đại nên giá trị các sản phẩm BĐS tại các khu vực này tăng trưởng có phần “nóng” hơn các khu vực khác. Tuy nhiên, theo số liệu từ thống kê từ CBRE Việt Nam, tính đến hết quý III/2018, 70% các sản phẩm BĐS được thanh khoản đều thuộc các dự án nằm ở khu vực phía Tây và Nam, thuộc các huyện Hoài Đức, Thanh Trì...
Tại khu vực phía Tây, tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động sẽ trở thành tuyến giao thông quan trọng nối các huyện lân cận như Hoài Đức, Đan Phượng với khu vực phía Tây và Tây Nam của Hà Nội. Việc huyện Hoài Đức được phê duyệt lên quận cũng sẽ đưa địa bàn này trở thành khu trung tâm tài chính – kinh tế mới của Thủ đô trong tương lai.
Trong khi đó tại phía Nam (huyện Thanh Trì) là khu vực tập trung các công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đầu mối của quốc gia và Thủ đô. Được định hướng phát triển các cơ sở công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các trung tâm dịch vụ, thương mại, đào tạo, tạo vành đai công viên, cây xanh sinh thái và nông nghiệp chất lượng cao, đồng thời cũng là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Theo ông Vũ Đức Khuê, đây đều là những miền đất “hứa” cho nhà đầu tư BĐS hiện tại và trong tương lai gần.
Cẩn trọng thông tin rao bán trên mạng
Theo khảo sát của phóng viên, thị trường nhà đất tại các khu vực dự kiến sẽ lên quận khá nhộn nhịp và giá tăng khá phi mã. Đáng nói, không chỉ những nhà đầu tư thứ cấp tập trung vào các dự án đang và chuẩn bị triển khai để “ôm” hàng chờ tăng giá, mà ngay cả người dân cũng cũng đổ xô đi tìm “gom” một vài lô đất trong các khu vực dân cư để chờ hiệu ứng “lên quận” của các huyện.
Chị Nguyễn Thị Hảo, thị trấn Trôi (Hoài Đức) cho biết, mảnh đất diện tích 60m2 trên trục đường nhánh từ Quốc lộ 32 vào có giá hơn 3 tỷ đồng. Trong khi lúc chưa có thông tin huyện Hoài Đức chuẩn bị lên quận giá mảnh đất này chỉ từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng. Giá đất thổ cư tại nhiều khu vực thuộc các xã An Khánh, Vân Canh, La Phù… đang tăng từ 2 - 3 triệu đồng/m2.
Ông Doãn Nguyên Phú – người môi giới đất, trú tại ngõ 15 đường Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, có rất nhiều khách là người dân tìm mua đất tại khu vực này. Những lô đất ở gần với mặt ngõ rộng trên 3m (có Giấy chứng nhận sử dụng đất) được “hô” giá lên đến 40 – 50 triệu đồng/m2, nhưng vẫn có người liên hệ mua, phần lớn khách hàng liên hệ với môi giới qua thông tin rao bán trên mạng internet. “Tôi làm môi giới cả đất dự án và đất dân cư, trung bình mỗi tuần dẫn khoảng 40 – 50 lượt khách đi xem đất, số lượng giao dịch thành công đạt từ 10 - 15%” - ông Doãn Nguyên Phú chia sẻ.
Trao đổi về thực tế này, một số chuyên gia BĐS cho rằng, người dân tìm mua các sản phẩm BĐS để đón đầu trước khi hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực này được hoàn thiện, sẽ làm cho giá trị BĐS tăng cao hơn. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phục hồi; các ngân hàng không cho vay dưới chuẩn… nên tại khu vực này khó có thể xảy ra bong bóng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không quên nhắc lại bài học từ huyện Từ Liêm tách thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, giá đất đã “sốt” trong thời điểm chuẩn bị lên quận nhưng sau khi lên quận thị trường BĐS khu vực này lại trầm lắng, trong khi vị trí của huyện Từ Liêm trước khi lên quận thuận lợi hơn rất nhiều so với các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm.
Để tránh rủi ro không đáng có bởi những thông tin do “cò đất”, Luật sư Đoàn Minh Học (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khuyến cáo người dân, nếu có nhu cầu mua thì cũng cần phải thận trọng trước những thông tin rao bán trên mạng internet, để tránh trường hợp mất quá nhiều tiền cho môi giới. Trước khi giao dịch cũng nên khảo sát kỹ giá trị thật của sản phẩm. “Tâm lý của hầu hết người mua BĐS đều muốn gặp trực tiếp chủ căn nhà hoặc mảnh đất cần mua, không qua môi giới. Nhưng, nhiều người vì không có thời gian đi tìm kiếm nên đã chấp nhận các giao dịch thông qua môi giới nên giá trị bị đẩy lên gấp 2 - 3 lần so với giá trị thật” - Luật sư Khuê nói.